Đa số doanh nghiệp tư nhân thiếu về số lượng, bé về quy mô
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đối mặt với cuộc cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt, hơn 30 năm sau đổi mới, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XII (10.2017), lần đầu tiên, Nghị quyết 10 của Đảng đã coi “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác nhận vị thế chính thức và vai trò chức năng cụ thể của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi kinh tế tư nhân không đơn thuần là một “thành phần kinh tế”, cũng không chỉ là một “động lực phát triển” nói chung mà là “một động lực phát triển quan trọng”.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng chỉ ra rằng, tuyệt đại đa số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thuộc các chủ thể “nhỏ và vừa”, trong đó “nhỏ li ti” chiếm phần đông đảo nhất. Về cơ cấu ngành, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo – nền tảng của công nghiệp hóa, trụ cột của sự hùng cường kinh tế – chỉ chiếm 14%. Đa số doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, điều đáng ngại là, sự quan tâm chủ yếu dành cho việc tăng số lượng doanh nghiệp, coi việc thành lập nhiều doanh nghiệp mới là một trong những thành tích chủ yếu. “Chất lượng”, “hiệu quả”, “giá trị gia tăng cao” của từng doanh nghiệp và đặc biệt, sức liên kết của các doanh nghiệp Việt với tư cách là sức mạnh tổng thể, là thế lực quốc gia trong cuộc đua tranh quốc tế vẫn chưa được đặt đúng tầm trong cả nhận thức lẫn hành động.
“Thực trạng là hiện nay khu vực kinh tế hộ gia đình-lực lượng kinh tế nhỏ yếu nhất-lại đóng góp khoảng 33% GDP, lớn gấp hơn 3 lần đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, với mức đóng góp chỉ khoảng 10%”- ông Thiên cảnh báo.
TS Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cũng chỉ ra thực trạng, không chỉ chất lượng ở mức thấp, số lượng doanh nghiệp vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
“Cả nước có gần 638.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, thấp xa so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Trung ương 10 là đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp” – PGS.TS Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ.
Doanh nghiệp tư nhân còi cọc vì đói vốn
Ông Cao Tiến Đoan – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ rõ: Doanh nghiệp luôn xác định “tiền là máu, nếu doanh nghiệp thiếu tiền ví như cơ thể thiếu máu”, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thiếu vốn sẽ kéo lùi sự tăng trưởng, thậm chí dẫn đến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.
Do đó, tiếp cận nguồn vốn là một trong những vấn đề lớn được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hiện nay, trở thành một trong những nội dung quan trọng, mang tính thời sự, quyết định đến sự ra đời, tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.
Giải quyết các vấn đề về vốn cho doanh nghiệp không thể diễn ra trong thời gian ngắn, ngày một ngày hai, mà là suốt chặng đường hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay “các quy định về thủ tục vay vốn đối với doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang tồn tại khá nhiều vướng mắc, thủ tục giấy tờ hồ sơ vay vốn rườm rà, nhiều ràng buộc, không nhất quán; sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thiếu thống nhất, dẫn đến sự cứng nhắc trong thủ tục, hồ sơ, quá trình thẩm định vay vốn kéo dài, nhiều tiêu chí khắt khe quá mức, chưa tháo gỡ được những khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện thực tế” – ông Đoan nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên thẳng thắn cho rằng, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang đương đầu với tình trạng bị suy yếu do khát vốn. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị chấn động mạnh, nguy cơ nợ xấu tăng. Nền kinh tế có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội phục hồi nhanh và bứt phá mạnh.