“Sứ mệnh cao cả – Hồi ức mười năm” được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày quân tình nguyện Việt Nam giúp đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng (1979 – 2024) và hướng đến kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19.8.1945 – 19.8.2024).
Đây là cuốn sách viết về những người chiến sĩ Công an nhân dân trong đoàn Chuyên gia an ninh Bộ Nội vụ Việt Nam do Thứ trưởng Viễn Chi (Chính Nghĩa) làm Trưởng đoàn trong 10 năm (1979 – 1989) sang giúp Bộ Nội vụ Campuchia thời kỳ đó.
Đồng chí Viễn Chi (1919 – 1999), tên khai sinh là Trần Xuân Viên, sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, yêu nước tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuộc đời của đồng chí Thứ trưởng Viễn Chi đã có hơn 40 năm gắn bó, đảm nhiệm nhiều trọng trách trong ngành Công an, để lại những dấu ấn sâu sắc về một cán bộ cao cấp nhiều kinh nghiệm, tinh thông nghiệp vụ. Đặc biệt là khi đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn Chuyên gia an ninh Bộ Nội vụ Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 – 1989.
Cá nhân đồng chí Viễn Chi và đoàn công tác đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm với người dân Campuchia, có nhiều việc làm hiệu quả, mang lại những đóng góp nhất định đối với Nhà nước Cách mạng Campuchia trên lĩnh vực an ninh, trật tự, giúp Bộ Nội vụ Campuchia trong công tác xây dựng lực lượng từ khi còn non yếu trở thành vững chắc, toàn diện.
Cuốn sách gồm 27 chương giống như một bộ phim với những cảnh quay chầm chậm của những ký ức quá khứ dội về. Trong đó, đồng chí Viễn Chi tóm tắt và kể về những vụ án mà đoàn Chuyên gia đã tham gia: Chính phủ phản động Hemkitsna do CIA dựng lên bị bắt ở Phnôm Pênh; Ngăn chặn một tên đồ tể của bọn diệt chủng PolPot chui vào nội bộ Công an Campuchia; Bắt sống Keobay sư đoàn trưởng chỉ huy đội quân ngầm của PolPot tại Phnôm Pênh; Chiếc thuyền trên hồ Bangdontung; Một trận đánh phối hợp tuyệt đẹp của lực lượng an ninh ba nước Đông Dương (1983)…
Tuy nhiên, một số vụ án có tính nghiệp vụ cao mà người làm công tác an ninh không thể công khai mà như người ta thường nói những vụ án ấy chỉ có thể “sống để dạ, chết mang theo”. Đây là những điều mà người làm công tác an ninh phải chấp nhận – đó cũng là chiến tích vô danh trong cuộc chiến thầm lặng này.
“Sứ mệnh cao cả” giống như một biên niên lịch sử về quãng thời gian 10 năm (1979 – 1989) không riêng của vị Trưởng đoàn Chuyên gia an ninh Bộ Nội vụ Việt Nam giúp Campuchia mà còn là tâm tư, tình cảm, vẻ đẹp, những chiến công, hy sinh thầm lặng, máu và nước mắt người chiến sĩ trong đó có người chiến sĩ Công an nhân dân khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia hồi sinh sau nạn diệt chủng Polpot – Iengxari.
Đây được xem là cuốn sách có ý nghĩa về mặt lịch sử, về công tác đối ngoại và những bài học kinh nghiệm quý giá cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và những cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng.