Ngày 24.4, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua dự luật cho phép tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau đó đã ký dự luật thành luật, cho phép chính quyền tịch thu tài sản nhà nước của Nga được nắm giữ ở Mỹ.
Bloomberg dẫn lời cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Eswar Prasad, nói rằng việc “vũ khí hóa” đồng USD thông qua việc tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể thúc đẩy sự quay lưng với đồng bạc xanh trên phạm vi toàn cầu.
Washington từ lâu đã nhất quyết tịch thu các khoản tiền bị đóng băng của Mátxcơva để hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến với Mátxcơva. Trong khi đó, các giám đốc tài chính G7 và các quan chức EU tiếp tục bày tỏ lo ngại về tiền lệ pháp lý của bất kỳ vụ tịch thu tài sản nào.
Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỉ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga để trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraina. Trong số 300 tỉ USD này có khoảng 5 tỉ USD đang nằm trong các ngân hàng Mỹ.
Theo trích dẫn của Bloomberg, cựu quan chức IMF Eswar Prasad đã cảnh báo rằng “việc Mỹ tăng cường vũ khí hóa USD thông qua việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga chắc chắn sẽ khiến các đối thủ của Mỹ xem xét việc phi USD hóa”.
Cái gọi là Đạo luật REPO – mà Tổng thống Joe Biden ký hôm 24.4 cùng với gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỉ USD cho Kiev – ủy quyền cho tổng thống Mỹ tịch thu tài sản nhà nước của Nga nắm giữ trong các ngân hàng Mỹ và chuyển chúng cho quỹ tái thiết Ukraina.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố ngày 24.4: “Điều cần thiết và cấp bách là liên minh quốc tế của chúng ta phải giải phóng các tài sản thuộc chủ quyền của Nga đang bị phong tỏa”.
Bloomberg lưu ý, điều khoản của REPO đã làm gia tăng cuộc tranh luận về những hậu quả tiềm ẩn của nhu cầu dự trữ và sử dụng đồng USD của nước ngoài. Hãng tin này cũng cho biết, khó có khả năng Mỹ sẽ tịch thu tài sản của Nga nếu không có sự đồng ý của các quốc gia G7 khác và EU.
Nhà phân tích Katherine Lei của JPMorgan được dẫn lời nói rằng “Trung Quốc có thể đẩy nhanh quá trình phi USD hóa”. Theo ước tính của JPMorgan, khoảng 70% thương mại quốc tế của Trung Quốc vẫn được tính bằng USD.
Paola Subacchi – tác giả cuốn The Cost of Free Money – nói với hãng Bloomberg: “Các quốc gia sử dụng đồng USD cho thương mại và tài chính quốc tế cần phải chắc chắn rằng, tài sản của họ sẽ không bị tịch thu theo ý muốn của Mỹ”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo, Nga có thể hạ cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ nếu Mỹ chiếm đoạt các quỹ bị đóng băng của Nga.
Ông Ryabkov cho biết, phản ứng của Mátxcơva đối với việc tịch thu tài sản của mình có thể bao gồm các biện pháp đối phó về kinh tế và ngoại giao.