Doanh thu đều đặn 200.000 USD/tháng vẫn phải ngừng nhận đơn hàng
Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Đồng Nai có tổng diện tích hơn 19.000m2 (diện tích nhà xưởng 8.000m2), có 129 người lao động, thuộc diện di dời giai đoạn 2, trước tháng 12.2025.
Ông Phan Gia Long – Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Đồng Nai cho biết, công ty chuyên sản xuất hàng mộc (chủ yếu là thớt gỗ), thị trường chủ yếu là xuất khẩu đi châu Âu. Tuy nhiên, do thị trường nhỏ không mở rộng được, tỉ suất lợi nhuận rất thấp, doanh thu chỉ 7-8% nên chỉ phát triển “cầm chừng”. Những năm gần đây, công ty lại gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 và tình hình giảm đơn hàng do xung đột ở một số nước châu Âu khiến nguồn quỹ phát triển sản xuất của doanh nghiệp bị bào mòn dần, đến nay không còn khả năng di dời để tái sản xuất.
Theo ông Long, trong thời gian chờ di dời thì công ty vẫn hoạt động sản xuất vì vẫn có đơn hàng, đồng thời cũng giúp người lao động có việc làm, có thu nhập. “Công ty chúng tôi hiện nay đã có đơn hàng tới tháng 6.2025, nhưng từ tháng 7.2025 trở đi, chúng tôi đã không dám nhận đơn hàng nữa” – ông Long nói.
Theo ông Long, hiện nay chưa có chính sách cụ thể về việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động di dời. Theo thông báo tới quý 2/2024 sẽ có chính sách cho các doanh nghiệp di dời, nhưng đến nay vẫn chưa có, trong khi hiện nay công ty vẫn đang có việc làm đều đặn, một tháng bình quân, công ty xuất khẩu từ 4-6 container hàng, doanh thu trên 200.000 USD và xuất trực tiếp tới các nhà tiêu thụ ở châu Âu.
“Chúng tôi thống nhất chủ trương di dời, nhưng mong muốn của doanh nghiệp là được tiếp tục sản xuất đến khi Nhà nước tiến hành di dời, chứ để khoảng thời gian trống không sản xuất ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người lao động. Doanh nghiệp cũng mất đi nguồn thu nhập” – ông Long chia sẻ.
Công ty sắp giải thể, 129 công nhân đi về đâu?
Cũng theo ông Long, sau khi thực hiện di dời, doanh nghiệp sẽ không tới vị trí mới mà tiến hành giải thể công ty do không còn vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng mới, nguồn vốn tái đầu tư sản xuất. Các loại máy móc sau khi tháo dỡ ra chỉ bán “sắt vụn”, chứ không di dời, thu hồi được, vì các máy bào, cưa, xẻ gỗ gỡ lên bị vênh không còn độ chính xác…
Tuy nhiên, điều ông Long lo lắng là số lao động sau khi công ty giải thể. Trong số 129 lao động của công ty thì lao động có độ tuổi từ 50-60 tuổi là 60 lao động – đây đều là công nhân có tay nghề của công ty. Hiện nay, người lao động của công ty cũng đang rất “tâm tư”. Người lao động chia sẻ, ngoài các chính sách theo luật thì tỉnh Đồng Nai cũng cần có thêm chính sách để hỗ trợ người lao động bảo đảm cuộc sống trong thời gian tìm việc làm hoặc trong thời gian học nghề chuyển đổi công việc, sau khi công ty di dời khỏi khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Bà Lưu Thị Kim Hương (56 tuổi, ngụ phường Bình Đa, TP Biên Hòa) đã có hơn 20 năm làm tại Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Đồng Nai cho biết, việc công ty sắp di dời khiến bà rất lo lắng vì sẽ mất đi nguồn thu nhập ổn định, trong khi đã lớn tuổi. Do đó, bà Hương cũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thêm các chính sách để tìm việc làm mới…
Ông Nông Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, đã gửi phiếu khảo sát đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Căn cứ theo phiếu khảo sát, Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai sẽ đề xuất chính sách mới của tỉnh Đồng Nai để hỗ trợ người lao động.
Ngoài ra, các chính sách của Luật Lao động và các chính sách hiện nay đang được Nhà nước khuyến khích hỗ trợ thì vẫn áp dụng, như hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ học nghề…