Tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến, thay vào đó là khái niệm kinh tế tri thức. Thế nhưng ở các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, kinh tế số đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cả mục tiêu lẫn chiến lược.
Lao Động có cuộc trò chuyện với CEO ChatBot Lê Anh Tiến, một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2019. Lê Anh Tiến từng 3 lần nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt, 2 lần nhận Huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo của Trung ương Đoàn.
CEO sinh năm 1990 này cũng là một trong những thanh niên tiêu biểu là đại biểu khách mời của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
– Phát triển kinh tế số là mục tiêu chiến lược quan trọng của đất nước ta trong thời gian tới. Theo anh, cần những yếu tố gì để có nền kinh tế số phát triển?
Lê Anh Tiến: Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi giữa thủ công và tự động. Chuyển đổi số được thực hiện ở nhiều nơi sẽ tạo ra kinh tế số.
Kinh tế số là 1 sự đo lường, giúp cho những nhà điều hành ra quyết định đúng đắn hơn dựa trên dữ liệu. Theo tôi, kinh tế số ở Việt Nam đã chớm nở. Kinh tế số phát triển thì sẽ có quốc gia số.
Để đạt được mục tiêu đó, yếu tố tiên quyết là nguồn nhân lực. Vì dù hệ thống gì đi chăng nữa thì con người vẫn phải vào vận hành, tạo ra hiệu quả.
Tri thức của con người chính là dữ liệu đầu vào của AI (trí tuệ nhân tạo). Tri thức của người Việt mình không tốt thì dữ liệu đầu ra của AI cũng không tốt.
Con người có vận hành được AI không hay để nó điều khiển ngược lại mình đều do tri thức quyết định.
– Ở giai đoạn hiện tại, nguồn nhân lực của Việt Nam có lợi thế gì để phát triển kinh tế số?
Lê Anh Tiến: Lợi thế lớn nhất là dân số Việt Nam trẻ hơn nhiều so với các quốc gia khác. Trong các lĩnh vực khác thì tôi không dám bàn những riêng lĩnh vực công nghệ thì phải có nguồn nhân lực trẻ.
Thế hệ Z của Việt Nam (những người sinh từ năm 1995 trở đi), nhiều người đã chứng minh được bản thân bằng các giải thưởng quốc tế, các bài báo khoa học quốc tế. Độ tuổi tham gia công trình khoa học của người Việt cũng ngày càng trẻ. Bây giờ nhiều bạn học sinh cấp 2, cấp 3 đã tham gia công trình khoa học rồi.
Từ việc nhen lên trong các em niềm đam mê khoa học, tạo điều kiện để các em tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm là nền tảng, cơ sở để mình có thể kỳ vọng vào thế hệ trẻ – một nguồn nhân lực dồi dào cho lĩnh vực công nghệ sắp tới.
Ngay như ở công ty tôi hiện tại, 99% nhân sự là các bạn trẻ sinh năm 1999 – 2.000. Các bạn đổi mới sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, trong mọi trường hợp. Đó là cái mà các thế hệ trước không có.
– Nói đến kinh tế số, không thể không nhắc tới các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ (startup). Trước đây từng có hiện tượng các startup Việt Nam sang Singapore mở công ty. Vì sao lại có việc này? Đang vận hành một startup quy mô vài triệu USD, anh cảm nhận môi trường kinh doanh ở Việt Nam như thế nào?
Lê Anh Tiến: Việc startup chọn Singapore để khởi nghiệp không phải là vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp mà là vấn đề đầu tư.
Nếu thành lập ở Singapore thì việc gọi vốn sẽ dễ dàng hơn, độ tin tưởng của các quỹ dành cho startup sẽ cao hơn ở Việt Nam. Cái đó là nhận thức của các quỹ đầu tư với các quốc gia đang thịnh hành startup. Điều đó có nghĩa là họ đầu tư vào các startup ở Singapore thì sẽ tự tin hơn là vào startup ở các quốc gia mà họ chưa nắm được thành công của nó.
Số lượng startup bị thất bại ở Singapore thấp hơn ở Việt Nam vì ở Singapore, họ có nguồn lực: con người và hạ tầng. Lấy một ví dụ đơn giản về nhân lực đó là trình độ ngoại ngữ. Người Việt Nam mình đâu phải ai cũng giỏi ngoại ngữ đâu.
Nếu các startup có định hướng vươn ra toàn cầu thì họ hay chọn Singapore vì số tiền mà các quỹ đầu tư rót vào startup rất lớn. Ở Việt Nam, các nguồn quỹ rất nhỏ lẻ.
Trân trọng cảm ơn anh!