Nhiều tàu vừa kết thúc chuyến đi biển dài ngày chuẩn bị dưỡng sức cho chuyến đi mới, nhưng có rất nhiều con tàu đã quyết định kết thúc mùa đánh bắt sớm vì càng đi càng lỗ.
Khoảng 3 – 4 năm nay sản lượng khai thác xa bờ tụt giảm khiến ngư dân miền Trung gặp khó khăn. Để tồn tại với nghề, nhiều người buộc phải hoạt động cầm chừng, không ít trường hợp bán ngư cụ để chuyển qua nghề câu.
Cầm cự từng ngày
Ngư dân Nguyễn Phương, ngụ thôn Sâm Linh Tây (huyện Núi Thành), là thành viên của gia đình có nhiều thế hệ chuyên nghề đi biển, sở hữu tới 5 con tàu, chiếc nhỏ nhất cũng 420 mã lực, đánh bắt vùng Hoàng Sa.
Thế nhưng đến nay cả 5 con tàu công suất lớn vẫn nép dựa vào nhau neo tại bến, chỉ 1 tàu đang chuẩn bị cho chuyến ra biển mới, 4 chiếc còn lại ông Phương nói sẽ không đi nữa, vì càng đi càng lỗ.
“Hồi xưa đánh bắt được lắm chứ, chuyến nào về cũng đầy ắp cá, trừ phí tổn ra anh em bạn tàu người nào cũng chia 50 – 70 triệu đồng nên ai cũng hào hứng đi. Hai ba năm nay đi gần như không có lãi, bạn giờ bỏ đi qua làm nghề khác hết nên rất neo người. Tính qua bù về thì từ đầu năm tới nay huề vốn, chỉ trông chờ vào tiền hỗ trợ nhiên liệu”, ông Phương nói.
Đội tàu của ông Phương chuyên đánh bắt cá nục, cá ngừ ở ngư trường Hoàng Sa. Mỗi chuyến ra biển kéo dài ít nhất 2 tuần. Mỗi tàu đóng mới không dưới 2 tỉ đồng, ngư cụ thêm khoảng 1 tỉ đồng nữa. Số tiền đầu tư rất lớn nhưng 3 năm qua đi chuyến nào lỗ chuyến đó nên ngư dân chán nản. Nhiều người bán tàu, bán ngư cụ để chuyển qua nghề khác.
Tam Quang là xã chuyên nghề đi biển quy mô nhất tỉnh Quảng Nam. Ngoài một lượng lớn tàu đánh bắt gần bờ thì xã này đang có khoảng 400 tàu đi khơi. Tuy nhiên do biển khó khăn nên đang có 100 tàu công suất lớn nằm bờ nhiều tháng.
Phó chủ tịch UBND xã Tam Quang Bùi Thanh Tân nói tình hình đánh bắt ở xã này đang rất “nan giải” vì dân lỗ liên tục. Phí tổn một chuyến ra khơi tàu nhỏ nhất cũng 100 triệu đồng, thuê 5 bạn tàu trở lên nhưng nhiều chuyến tàu trở về không khiến chủ tàu điêu đứng.
Tình cảnh khó khăn xảy ra ở hầu hết các làng biển tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… Tại cảng cá Thọ Quang, nhiều ngư dân cũng cho biết sản lượng đánh bắt mấy năm qua tụt giảm liên tục khiến chủ tàu rất khó tìm bạn. Nhiều người bán tàu, bán ngư cụ nhưng không bù lại được chi phí nên cố gắng cầm cự hoặc chuyển nhỏ quy mô đánh bắt, đi gần bờ để tiết giảm chi phí.
Biển đang dần cạn cá?
Tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình có rất đông ngư dân hành nghề câu mực. So với các nghề khác, nghề câu mực đi dài ngày hơn và vẫn khá ổn định về sản lượng. Dù vậy người dân ở Bình Minh cũng nói rất nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Thanh Ân, xã Tam Quang (huyện Núi Thành), có đội tàu 5 chiếc. Con trai ông Ân đứng tên 2 chiếc, còn lại do ông Ân đứng tên. Dù đang trong mùa đánh bắt nhưng ông Ân cùng con quanh quẩn ở nhà. Chỉ duy nhất một tàu còn lênh đênh trên biển để tìm hy vọng có cá bù những chuyến lỗ triền miên từ đầu năm tới nay.
“Đi biển mà đi chuyến nào cũng lỗ vài trăm triệu đồng thì đi làm chi? Mà đi giờ cũng không tìm ra bạn biển, cứ qua 3 trăng (3 lần có trăng, tương đương với 3 chuyến đi biển) mà chuyến nào về chia cũng chỉ được người 5 – 7 triệu đồng, thậm chí có chuyến chẳng được đồng nào thì kêu người ta cũng không đi nữa.
Họ ở nhà làm việc khác có tiền hơn. Cả đội tàu của tôi từng đánh bắt trúng biển nhiều năm trước, giờ tấp bờ thường xuyên. Ra biển giờ tìm cá khó hơn trong bờ nhiều”, ông Ân nói.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có trên 2.700 phương tiện đánh bắt xa bờ công suất từ 385 mã lực trở lên. Tuy nhiên thời gian gần đây năng suất đánh bắt không đạt khiến ngư dân cho tàu cá nằm bờ hàng loạt ở Núi Thành, Thăng Bình, Hội An.
Ngư dân cho biết việc biển càng khó đánh bắt không phải bất thường mà xảy ra từ lâu, nhưng 2 – 3 năm nay càng hiếm cá hơn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc ngư trường bị khai thác quá mức, đặc biệt phương tiện dò cá hiện đại khiến các đàn cá lớn ở vùng khơi bị bắt cạn dần.
Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cũng cho biết tình hình đánh bắt sụt giảm xảy ra ở các vùng đánh bắt xa bờ lớn. Ngư dân đi nghề lưới vây, chụp mực, lưới rê hỗn hợp đều trong tình cảnh cầm cự.
Để động viên ngư dân bám ngư trường, Sở NN&PTNT, các địa phương có lượng tàu cá lớn cùng chính quyền địa phương tìm nhiều chính sách vận động, tiếp sức nhưng tình hình vẫn hết sức nan giải.
Theo ông Nguyễn Đình Toàn – phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, tình trạng khó khăn của khai thác thủy sản đang là thực tế khiến sản lượng đánh bắt ngày càng thấp dần. Hiện nay chỉ có nghề câu mực là vẫn khá ổn định, còn lại các nghề khác đều lâm vào tình cảnh khó khăn.
“Nguyên nhân chính là nguồn cá cạn kiệt trong khi năng lực đánh bắt lại lớn hơn so với nguồn lợi cho phép, độ vênh giữa năng lực với nguồn lợi ngày càng lớn dẫn đến sản lượng giảm dần qua từng năm. Sản lượng như năm nay thì sẽ không đạt, nhưng bù lại được cái là nghề câu mực lại tốt”, ông Toàn nói.