Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler đã loại trừ khả năng chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất cho bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Ukraina.
“Việc cung cấp hệ thống S-400 của chúng tôi cho bất kỳ quốc gia nào khác là điều không thể” – Bộ trưởng Yasar Guler chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CNN khi được hỏi Ankara có nhận được bất kỳ đề xuất nào về việc chuyển hệ thống S-400 cho Ukraina hay không.
Tháng 5 năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Mỹ đã đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ gửi hệ thống S-400 tới Ukraina, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ đề xuất này.
Quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã căng thẳng vào năm 2017 khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đạt được thỏa thuận mua tên lửa S-400.
Washington tuyên bố S-400 sẽ không tương thích với hệ thống vũ khí của NATO và có thể làm lộ thông tin quân sự bí mật của NATO cho Nga.
Sau đó, Washington đã ngừng chuyển giao máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và áp đặt các biện pháp trừng phạt với nước này vì mua hệ thống phòng không do Nga sản xuất.
Cuối tháng 4, Business Insider đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai hệ thống phòng không S-400 Triumf tiên tiến của Nga ở biên giới Iraq cho cuộc tấn công mùa hè dự kiến nhằm vào Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại khu vực người Kurd ở Iraq.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho hay, S-400 có khả năng được triển khai ở biên giới nhằm bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trước các máy bay không người lái mà PKK đã mua.
Tuy nhiên, Business Insider lưu ý, S-400 có năng lực mạnh để chống lại các mối đe dọa lớn hơn máy bay không người lái thô sơ.
Tên lửa do Nga sản xuất được thiết kế để bắn hạ các tên lửa hành trình và đạn đạo giống như những tên lửa do Iran bắn trong cuộc tấn công vào Israel ngày 13.4.
Và việc triển khai S-400 có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO khác.
Thỏa thuận mua S-400 khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiêu tốn khoảng 2,5 tỉ USD. Một cách gián tiếp, Ankara phải trả giá đắt hơn nhiều khi mất cơ hội thu được hơn 9 tỉ USD từ việc sản xuất hơn 900 linh kiện trong chuỗi cung ứng F-35 toàn cầu.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận S-400 từ Nga, các quan chức Mỹ đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên “kích hoạt” tên lửa.
Thổ Nhĩ Kỳ từng thử nghiệm máy bay chiến đấu F-16 và F-4 trước radar của S-400 vào cuối năm 2019. Washington đã chỉ trích mạnh mẽ Ankara vào tháng 10.2020 về tuyên bố thử nghiệm hệ thống S-400.
Kể từ đó, không có dấu hiệu nào cho thấy S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa vào hoạt động. Vào tháng 11.2022, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Hulusi Akar cho biết, Ankara “không có vấn đề gì với S-400” và hệ thống này đã sẵn sàng cho sử dụng.
Việc triển khai ở biên giới Iraq sẽ là lần đầu tiên S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa vào sử dụng sau 5 năm kể từ khi Ankara nhận bàn giao hệ thống này năm 2019.