Doanh nghiệp báo lỗ
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát mới đây đã công bố lợi nhuận sau thuế quý III/2022 âm 1.786 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên “ông lớn” trong ngành thép báo lỗ (tính theo quý) sau hơn 13 năm. Về doanh thu quý III/2022, Hòa Phát ghi nhận đạt hơn 34.440 tỉ đồng, giảm tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm gần 8% so với quý liền trước.
Phía Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – Mã: TVN) công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 8.588 tỉ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn hàng bán vẫn duy trì ở mức cao nên lợi nhuận gộp lao dốc, âm đến 271 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 354 tỉ đồng. Phần lỗ trong công ty liên doanh, liên kết tăng mạnh lên 283 tỉ đồng so với khoản lỗ 32 tỉ trong quý III/2021. Sau khi trừ đi các loại chi phí khác, VNSteel thông báo lỗ sau thuế 567 tỉ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
VNSteel không phải là doanh nghiệp thép duy nhất ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc trong quý vừa qua. Thép Pomina (Mã: POM) cũng ghi nhận doanh thu trong quý III/2022 đạt 2.978 tỉ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Trước đó, Thép Pomina cũng buộc phải dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23.9.2022 và đồng thời phải cắt giảm một số nhân sự để đảm bảo tình hình kinh doanh.
Các “đại gia” khác trong ngành thép cũng không thoát khỏi cảnh lỗ nặng trong quý này là Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) báo cáo lỗ ròng 887 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 lãi sau thuế 940 tỉ đồng; Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) cũng báo lỗ kỷ lục hơn 400 tỉ đồng sau khi doanh thu giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 4.424 tỉ đồng.
Khó khăn kéo dài của ngành thép
Báo cáo của Hoà Phát cho thấy, mảng kinh doanh và đóng góp chủ yếu chính là thép, doanh nghiệp này đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô trong 9 tháng đầu năm 2022, tương đương cùng kỳ 2021. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, HRC và phôi thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 3% so với 9 tháng 2021. Thép xây dựng đạt 3,4 triệu tấn, tăng 24%, trong đó thị trường xuất khẩu đóng góp hơn 1 triệu tấn, tương đương cả năm 2021. Nửa đầu năm 2022, Hòa Phát cũng nâng thị phần từ 32,6% lên 36% đối với thép xây dựng, từ 24,7% lên 29% đối với ống thép và tiếp tục duy trì trong quý III/2022.
Tuy nhiên, lãnh đạo Hoà Phát cho biết, nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỉ giá và lãi suất tăng mạnh. Do đó, dù doanh thu từ nông nghiệp tăng 10%, lợi nhuận tăng 32% so với cùng kỳ giúp mảng hoạt động này đã có lãi trở lại, vẫn không giúp HPG thoát lỗ nặng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng bán hàng của ngành đã đạt 920.248 tấn trong tháng 9.2022, giảm 21,91% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 113.158 tấn, giảm 47,9% so với tháng 9.2021. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp ngành thép khi mà giá nguyên vật liệu tăng cao nhưng giá bán trong nước lại liên tục giảm và giá thế giới cũng giảm mạnh. Hàng tồn kho lớn, tiêu thụ giảm đang là “bài toán” khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu, khi phải đứng trước phương án cắt giảm sản lượng sản xuất và nhân sự.
Cụ thể, mới đây Cty TNHH Thép Miền Nam (Vnsteel) đã gửi thông báo đến cán bộ nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngưng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến tháng 12.2022. Quyết định này đến từ việc nhu cầu thép xây dựng trên thị trường thế giới và nội địa đã suy yếu, các dự án đầu tư, bất động sản bị trì trệ và gặp nhiều khó khăn.
Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đã dùng cụm từ “mây mù che phủ” để phân tích về triển vọng ngành thép nửa cuối năm 2022. VCBS dự đoán giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng thấp trong nửa cuối năm do nhu cầu chưa hồi phục. Các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu. Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình giảm giá bán.
Đưa ra những tín hiệu hy vọng lâu dài, phía Cty Cổ phần CK Agribank (Agriseco) cho rằng, tình trạng thiếu hụt năng lượng có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn tại Châu Âu cũng khiến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm sản lượng, bao gồm sản xuất thép. Điều này tạo ra những cơ hội cải thiện hoạt động kinh doanh cho các DN xuất khẩu khi tiến vào thị trường Châu Âu.