Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index giảm 36,7 điểm (-2,86%), xuống 1.245,32 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE suy yếu so với tuần trước đó khi khối lượng khớp lệnh giảm gần 9% và có phiên ghi nhận giá trị giao dịch thấp nhất trong hơn một tháng qua. Áp lực bán gia tăng ở nhiều nhóm ngành, nhưng đáng kể nhất vẫn là các mã ngành công nghệ, viễn thông khi bị chốt lời sau thời gian tăng tốc trước đó.
Nhà đầu tư ngoại vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi tiếp tục bán ròng gần 4.500 tỉ đồng trong tuần cuối cùng của tháng 6, trong đó riêng cổ phiếu FPT và chứng chỉ quỹ FUEVFVND chiếm tỉ trọng hơn 70%.
Theo số liệu thống kê, khối ngoại đã bán ròng liên tục trong 5 quý gần đây và đặc biệt là trong nửa đầu năm 2024, có thể do áp lực rút vốn khi tỉ giá tiếp tục neo ở mức cao. Sau giai đoạn bán ròng kể từ đầu năm đến nay, ước tính giá trị bán ròng lên đến gần 45 nghìn tỉ đồng (xấp xỉ 1,8 tỉ USD). Tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán hiện ở mức 17,5%, giảm khoảng 0,75% so với thời điểm cuối năm 2023.
Dù diễn biến rung lắc có thể tái diễn trong các phiên giao dịch tới, nhưng chỉ cần vùng hỗ trợ 1.250 – 1.270 điểm không bị vi phạm thì xu thế ngắn hạn vẫn ổn định và 1.300 điểm là ngưỡng mục tiêu gần nhất. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ vị thế đang có sẵn trong danh mục và duy trì động lực tăng. Đồng thời, các nhịp điều chỉnh quanh vùng hỗ trợ mạnh đang mở ra cơ hội để tối ưu vị thế tích lũy cổ phiếu, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu có động lượng tăng tốt, còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán TPS (TPS Research) cho rằng, VN-Index hiện đang giao dịch tại mức P/E 14,4x. TPS Research nhận định mức định giá hiện tại vẫn còn hấp dẫn khi so với triển vọng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm nay và so với trung bình 10 năm là 15,2x. Bên cạnh đó, định giá P/B của VN-Index hiện ở mức 1,8x và đang thấp hơn trung bình 10 năm là 2,2x.
Nói về triển vọng của năm 2024, kịch bản cơ sở TPS Research đưa ra đó là VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.381 điểm, tương ứng tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu là 15.x, tương đương trung bình 10 năm gần nhất. Dưới một góc nhìn lạc quan hơn, VN-Index có thể đạt mức 1.444 điểm với kịch bản lợi nhuận tăng trưởng 15% khi các yếu tố khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm, các ngân hàng trung ương thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ. Qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Chính sách tiền tệ của Fed, diễn biến địa chính trị thế giới, dòng vốn đầu tư của khối ngoại, kỳ vọng về lợi nhuận doanh nghiệp hay thậm chí cả việc KRX bị hoãn và nâng hạng thị trường gặp khó được TPS Research nêu ra như những rủi ro cần chú ý cho giai đoạn còn lại của năm 2024.