Thị trường chứng khoán đã trải qua một phiên điều chỉnh và kiểm định trở lại vùng 1.250 điểm. Cũng tại vùng hỗ trợ này của chỉ số, lực cầu đã dần xuất hiện và hỗ trợ thị trường thu hẹp đà giảm, đồng thời cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong phiên hôm qua (30.5).
Điểm trừ trong phiên là nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường đó là ngân hàng vẫn còn giao dịch kém tích cực và có thể trở thành lực cản cho đà hồi phục của VN-Index trong những phiên tới.
Nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên bán ròng khủng tới gần 3.000 tỉ đồng, cao nhất kể từ đầu năm, với diễn biến đột biến từ cổ phiếu MSR.
Ở góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang gặp khó khăn trước vùng cản 1.290 – 1.300 điểm, nhưng xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị vi phạm và vận động rung lắc tại trước vùng cản là điều bình thường. Chỉ số được nhận định có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần nhất là 1.250 – 1.260 điểm, qua đó đón thêm lực cầu để tạo động lực đi lên.
Đặc điểm của thị trường trước vùng kháng cự mạnh là có sự rung lắc và luân phiên phục hồi ở các nhóm vốn hoá trung bình. Bởi vậy, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn tìm kiếm được cơ hội đối với các mã chưa tăng giá nhiều, nhất là khi thanh khoản thị trường chung được cải thiện, cho thấy dòng tiền tiếp tục tham gia.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, trong ngắn hạn, sau khi vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm để quay trở lại kênh giá 1.250-1.300 điểm, chỉ số VN-Index lại một lần nữa chịu áp lực kiểm tra lại vùng dưới của kênh giá này.
Điểm tích cực là lực cầu vẫn gia tăng khá tốt ở vùng giá 1.250 điểm khi có nhiều mã/nhóm mã phục hồi mạnh với kỳ vọng, triển vọng kết quả kinh doanh quý II/2024 tăng trưởng.
Xu hướng trung hạn vẫn duy trì tích lũy trong kênh giá 1.250-1.300 điểm sau nhịp giảm điểm mạnh. Nếu giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm, VN-Index vẫn có thể duy trì kỳ vọng phục hồi trở lại hướng tới vùng 1.282-1.287 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất phiên giảm điểm mạnh 15.4.2024 cũng như đỉnh giá tháng 9.2022.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital đánh giá, P/E 4 quý gần nhất của VN-Index đang ở dưới mức 14 lần, cùng với đó là mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và E/P của VN-Index giảm mạnh, cho thấy lợi suất của thị trường chứng khoán đang hấp dẫn hơn nhiều so với kênh tiết kiệm, đồng nghĩa với dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán còn nhiều trong dài hạn.
Cơ sở cho góc nhìn này là những tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, cũng như sự hồi phục của hoạt động sản xuất – kinh doanh. Các yếu tố vĩ mô kỳ vọng sẽ ổn định hơn trong những tháng tới dưới sự điều hành chính sách chủ động, linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan quản lý.
Ở thời điểm hiện tại, khuyến nghị quan điểm tăng tỉ trọng ở những cổ phiếu đang có lợi nhuận khi VN-Index giảm về mốc 1.257 điểm. Ở thời điểm hiện tại, lợi thế mua ở vùng 1.257 chưa nhiều, nên chúng ta cần tiếp tục thận trọng, chỉ mua thêm khi VN-Index điều chỉnh mạnh trong các phiên tới.