Chiều 7-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình ý kiến đại biểu về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Không lẽ cả đất nước ngồi chờ một vài nhà đầu tư?
Ông Diên cho biết đến năm 2030, lượng điện cần phải gấp 2 lần công suất hiện nay, và đến năm 2050 phải gấp 5 lần.
Khi các nguồn điện truyền thống không có dư địa để phát triển nữa, thủy điện đã hết, điện than không phát triển được, năng lượng mặt trời cũng có giờ, không thể nào tăng gấp 7 lần công suất hiện nay bằng năng lượng tái tạo.
Vì vậy, điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai nhất định phải có. Để làm được các loại điện này, ngay từ bây giờ trong luật phải được đề cập. Như vậy sau 10 năm mới có những dự án điện hạt nhân.
Dự luật sửa đổi lần này, theo ông Diên, những điều bổ sung mới chủ yếu quy định về năng lượng mới; quy định về phát triển thị trường điện cạnh tranh và quy định rõ thẩm quyền của cơ quan quyết định chủ trương đầu tư với những dự án điện cấp bách, chủ trương để thu hồi các dự án điện chậm tiến độ.
Ông Diên giải thích dự án điện khác với các dự án công nghiệp khác ở chỗ điện bao giờ cũng phải đi trước một bước. Đồng thời điện sản xuất ra phải có địa chỉ tiêu dùng, chứ không phải phát triển ra xong “bỏ tủ”.
“Trên thực tế có những dự án đã giao cho nhà đầu tư cả chục năm nay, thậm chí có dự án gần 20 năm nay nhưng họ có đủ lý do để chưa triển khai. Như vậy, chúng ta đang thiếu điện là do các dự án trước đó không có cơ chế nào thu hút, chỉ áp dụng cơ chế chung đối với các dự án đầu tư.
Trong khi dự án điện đặc thù đã quy hoạch phải làm, đã giao phải làm, không làm được phải bị thu hồi, phải thế mới được, không lẽ cả đất nước này ngồi chờ một vài nhà đầu tư hay sao? Cho nên đây là những vấn đề không quy định không thể nào làm được”, ông Diên nói.
Bổ sung quy định để xây dựng thị trường điện cạnh tranh
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết dự luật lần này cũng bổ sung quy định về những cơ chế, chính sách chủ đạo để xây dựng, phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là vấn đề sản xuất, kinh doanh điện.
Theo ông Diên: “Đến giờ này đã phát điện cạnh tranh. Bây giờ 52% các nhà đầu tư ngoài nhà nước rõ ràng là cạnh tranh, chứ không thể không cạnh tranh.
Về bán buôn, chúng ta vừa mới ban hành chính sách mua, bán điện trực tiếp. Chúng ta cũng đã quy định không chỉ 5 đơn vị được mua buôn điện. Về bán lẻ, chúng ta đang sửa các quy định về giá, giá 2 thành phần, khung giá theo giờ…. Tất cả những việc đó đang vận hành”.
Về 6 nhóm chính sách cụ thể trong dự luật, ông Diên khẳng định đã quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định và những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và một số nguồn điện nền như điện khí, điện hạt nhân, kể cả điện hydro xanh.
“Tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn, nhưng nếu không có cơ chế, chính sách không thể nào mở đến mức tối đa khả năng có thể cho các địa phương. Nhu cầu của các địa phương rất lớn. Quy hoạch điện VIII không mở được vì luật vẫn bó”, ông Diên nhấn mạnh.