Doanh nghiệp hoạt động trầm lắng, xuất khẩu giảm sâu
Nửa đầu năm 2023, hoạt động của ngành dệt may vô cùng trầm lắng với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm sâu. Việt Nam là nước giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giãn, giảm việc làm.
Nêu thực tế của ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – cho biết: 6 tháng cả ngành dệt may suy giảm 17,2% kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may giảm do nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm rất sâu, trong đó thị trường Mỹ là giảm sâu nhất.
Trước tác động của nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, 6 tháng đầu năm nay, nhiều lĩnh vực, ngành hàng tiếp tục bị ảnh hưởng do tổng cầu tiêu dùng sụt giảm, thị trường thu hẹp, nhất là các thị trường lớn… dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối diện với tình trạng giảm sút đơn hàng, thu hẹp thị phần xuất khẩu ngày càng nghiêm trọng hơn.
Từ đầu năm đến nay, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta bị giảm, trong đó giảm sâu nhất là lắp ráp điện tử, điện thoại, chế biến gỗ, dệt may, da giày.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỉ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Giảm việc làm – giảm thu nhập
Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không hiệu quả, thua lỗ, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút nghiêm trọng. Người dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này, một số doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường, đời sống của người lao động rơi vào tình trạng khó khăn chồng khó khăn…
Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải sa thải bớt lao động, giảm giờ làm để trang trải chi phí. Từ đó dẫn tới nhiều người lao động bị giãn, giảm việc làm, thậm chí mất việc làm dẫn tới thu nhập không đảm bảo.
Đề cập tới vấn đề tín dụng, vấn đề lãi suất ngân hàng, đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất, tuy nhiên đã thực sự là thấp đối với doanh nghiệp hay chưa? Theo ông, chính sách lãi suất cần tính đến dư địa trong ngân hàng để hạ lãi suất cho khu vực doanh nghiệp ưu tiên. Cùng với đó, chính sách tài khoá cần hướng sang hỗ trợ tốt hơn cho giảm lãi suất vay, tạo sức mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Ở thời điểm khó khăn về thị trường, cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong khu vực.
Doanh nghiệp hiện gặp khó nhất là chi phí để trang trải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh trên, cần phải rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp những vấn đề liên quan như thủ tục hành chính, lãi suất…