Tại xã Vân Khánh, huyện An Minh, không khí làm khô trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các hộ dân tất bật sản xuất, chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tăng cao của dịp Tết Nguyên đán.
Chị Nguyễn Thị Bé Huệ, người có hơn 8 năm kinh nghiệm làm khô, cho biết mùa Tết là thời điểm sản xuất khô nhiều nhất trong năm. Nếu bình thường cơ sở của chị chỉ bán khoảng 200kg khô mỗi tháng thì dịp Tết con số này tăng lên đến 700kg, mang lại lợi nhuận đáng kể.
Tuy nhiên năm nay sản lượng đánh bắt giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết. Nguồn cá biển khan hiếm, khiến giá cá khô tăng từ 10.000 – 30.000 đồng/kg so với năm trước. Các loại khô phổ biến như khô cá mối, cá nhồng, cá đù, cá ngát, cá chỉ vàng đều dao động ở mức 130.000 – 160.000 đồng/kg.
Đặc biệt, cá ngát tươi hầu như không còn nguồn cung tại địa phương, buộc các cơ sở sản xuất phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh lân cận.
Tại huyện Giồng Riềng, chị Nguyễn Thị Nhanh cũng bận rộn với cơ sở sản xuất khô cá đồng. Các sản phẩm như khô cá chạch, cá lóc và khô ếch được khách hàng ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết.
Hiện giá khô cá chạch đồng lên tới 550.000 đồng/kg, cá lóc đồng 380.000 đồng/kg, khô cá lóc đầu nhím 250.000 – 270.000 đồng/kg.
Chị Nhanh chia sẻ giá khô thường tăng mạnh trước Tết khi nhu cầu tiêu thụ gấp 3-4 lần ngày thường, do nguồn cá tươi khan hiếm và giá đầu vào tăng cao. Sau Tết, giá khô thường giảm khi giá nguyên liệu tươi cũng giảm.
Ngoài cá khô, thị trường tôm khô cũng chịu ảnh hưởng từ sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Bà Lê Thị Kim Thoa, giám đốc Hợp tác xã Hiểu Phát tại huyện Vĩnh Thuận, cho biết giá tôm nguyên liệu tăng mạnh trong năm nay.
Sự chuyển đổi từ nuôi tôm sang trồng lúa do giá lúa tăng cao khiến nguồn cung tôm giảm đáng kể. Giá tôm thẻ tươi đã tăng 15.000 đồng/kg, kéo theo giá tôm khô tăng lên mức 580.000 – 780.000 đồng/kg.
Các cơ sở sản xuất ở miền Tây hiện đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp Tết, nhưng thiếu hụt nguyên liệu và giá thành đầu vào tăng đang tạo áp lực lớn, đẩy giá sản phẩm khô lên mức cao nhất trong nhiều năm.