Đối thoại với gần 300 nông dân cả nước, kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố sáng 31-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lắng nghe nhiều câu hỏi, những vấn đề mà nông dân, người sản xuất muốn giải quyết rốt ráo về quy hoạch đất đai, vốn, dịch vụ bảo hiểm sau bão, vùng nguyên liệu sản xuất…
Tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn khó
Bà Hoàng Thị Gái (Hải Phòng) cho rằng cơn bão Yagi gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho ngành nông nghiệp nhưng nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế.
“Cụ thể là nghị định 02 của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, có quy định mức hỗ trợ tối đa cho 1ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% chỉ được 2 triệu đồng. Nếu chia bình quân ra chỉ được 75.000 đồng/sào”, bà Gái dẫn chứng.
Ngoài ra bà Gái mong muốn Chính phủ có giải pháp trong việc các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, cho vay mới để người nông dân khôi phục sản xuất; hay việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn…
Thủ tướng cho rằng sau bão chúng ta mới thấy bảo hiểm nông nghiệp rất quan trọng, bộ ngành cần phải nghiên cứu để đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp đạt hiệu quả, đi vào cuộc sống, thực tế giúp nông dân.
Trả lời câu chuyện hoãn nợ, vốn vay, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thông tin có 124 khách hàng bị ảnh hưởng, 192.000 tỉ đồng dư nợ sau hậu quả cơn bão số 3.
Các nông dân, doanh nghiệp, nhất là về nuôi trồng thủy hải sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng mất trắng, không có khả năng trả nợ.
Ông Tú nói Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành thông tư quy định lại thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bão, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến hết ngày 31-12-2025 và không giới hạn số lần cơ cấu…
Bà Vũ Thị Thương Huyền – giám đốc Hợp tác xã chè Thịnh An, tỉnh Thái Nguyên – bày tỏ do hiện chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng để tổ hợp tác xã đứng ra tích tụ đất đai; hay thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh, vùng sản xuất nông nghiệp chưa tương đồng…
Về vấn đề này, ông Đỗ Đức Duy, bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói Luật Đất đai năm 2024 đã giải quyết hết những vướng mắc, nhất là chính sách đất đai sản xuất nông nghiệp nhưng bà con chưa cập nhật hết. Ông Duy đề nghị các địa phương tuyên truyền.
Tăng đầu tư cho nông nghiệp cần có sự vào cuộc của tư nhân
Tại hội nghị, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy phát biểu hiện mức đầu tư cho nông nghiệp còn rất hạn chế, ông kiến nghị Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2020-2024 vào phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại và đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững; xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp…
Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận đầu tư cho nông nghiệp đúng là chưa nhiều nhưng nguồn lực có hạn vì Nhà nước cũng cần đầu tư cho các mục tiêu trọng điểm khác nên còn cân đối để phù hợp.
“Chúng ta tăng gấp 2 lần không có nghĩa là tăng tiền của Nhà nước mà phải có sự vào cuộc của tư nhân. Còn việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, chúng ta đã và đang phấn đấu thực hiện theo đúng cam kết, lộ trình giảm phát thải của Việt Nam.
Tôi mong muốn, đề nghị các doanh nghiệp, nông dân cần thay đổi phương thức sản xuất ra sao, sử dụng giống, phân bón, công nghệ như thế nào để tạo ra hệ sinh thái bền vững”, ông nhấn mạnh.