“Đã đến lúc phải xác định lại toàn cầu hóa. Chúng ta cần tạo ra những động lực để đảm bảo dòng vốn quốc tế không còn được quyết định bởi lợi nhuận trước mắt mà bởi các nguyên tắc xã hội và môi trường” – Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad chia sẻ với những người đồng cấp nhóm G20 trong phiên khai mạc cuộc họp tại Sao Paulo ngày 28.2.
Cuộc họp diễn ra sau cuộc gặp của các ngoại trưởng G20 ở Rio de Janeiro vào tuần trước. Cuộc họp của các quan chức tài chính sẽ đặt nền tảng chính sách kinh tế cho hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 dự kiến tổ chức tại Rio vào tháng 11.
Các quan chức Brazil đang nghiên cứu tuyên bố chung của hội nghị nhỏ gọn nhằm tránh các vấn đề gây chia rẽ như xung đột Ukraina, Gaza, theo AFP.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva muốn thông qua việc Brazil đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên G20 trong năm nay để thúc đẩy các vấn đề như cuộc chiến chống đói nghèo và biến đổi khí hậu, giảm bớt gánh nặng nợ nần của các quốc gia có thu nhập thấp và giúp các nước đang phát triển có nhiều tiếng nói hơn tại các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva kêu gọi có hành động mạnh mẽ hơn về khí hậu, kêu gọi các quốc gia tăng tốc cắt giảm khí thải, chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch – ước đạt 1.300 tỉ USD trên toàn thế giới vào năm ngoái – và huy động tài chính cho khí hậu.
Cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị G20 lần này là vấn đề tăng thuế đối với các tập đoàn và người siêu giàu.
Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad lưu ý: “Chúng ta cần đảm bảo các tỉ phú trên thế giới đóng phần thuế công bằng của họ”. Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Brazil đề xuất mức thuế tài sản tối thiểu toàn cầu, đại diện cho một trụ cột mới đầy tiềm năng cho hợp tác thuế quốc tế. Ông Haddad cũng đề xuất G20 giải quyết các “thiên đường thuế” của những người giàu nhất và thuế thừa kế ưu tiên giới siêu giàu.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ủng hộ lời kêu gọi này, khẳng định Paris đang thúc đẩy đẩy nhanh các cuộc đàm phán quốc tế về mức thuế tối thiểu với giới siêu giàu. Tuy nhiên, các quan chức Brazil cho rằng, vấn đề này khó có thể được đưa vào thông cáo chung cuối hội nghị.
Cũng tại hội nghị, Thống đốc ngân hàng Trung ương Brazil Roberto Campos Neto gọi cuộc chiến chống lạm phát là công cụ quan trọng để chống bất bình đẳng – một trong những ưu tiên của Brazil trong nhiệm kỳ chủ tịch G20. Ghi nhận những tiến bộ trong việc giảm phát kể từ đại dịch, ông Campos Neto kêu gọi kiên trì bởi “vẫn còn nhiều việc phải làm ở chặng cuối và rủi ro vẫn còn ở phía trước”.
Reuters chỉ ra, cuộc họp kéo dài hai ngày ở Sao Paulo tập trung đàm phán về hợp tác kinh tế nhằm giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và nghèo đói, với thông cáo chung tránh đề cập trực tiếp đến xung đột Ukraina và cuộc chiến ở Gaza.
Điều phối viên tài chính G20 của Brazil tại Sao Paulo, ông Tatiana Rosito, xác nhận, cuộc đàm phán về phần kinh tế trong thông cáo chung của hội nghị bộ trưởng tài chính G20 đã được các thứ trưởng hoàn tất thành công trong bầu không khí “rất tích cực”.
Phát biểu sau khi kết thúc phiên họp ngày đầu tiên, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế Masato Kanda cho biết, nội dung thông cáo chung G20 vẫn đang được trao đổi.
“Có nhiều lĩnh vực vẫn cần thảo luận, bao gồm cả những lĩnh vực ngoài vấn đề địa chính trị. Thật khó để dự đoán mọi thứ sẽ diễn tiến như thế nào” – ông nói.