Thuế cần chiếm 75% giá bán lẻ thuốc lá

Đó là khẳng định của chuyên gia tại hội thảo về giảm tác hại của thuốc lá do Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế tổ chức ngày 24-7 tại Đà Nẵng.

Cần tăng thuế thuốc lá mạnh và đều

Tại hội thảo, TS Nguyễn Khánh Phương – viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế – cho biết theo WHO, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới.

Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, thuốc lá còn gây ra tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình, xã hội và môi trường.

ThS Nguyễn Hạnh Nguyên – quản lý dự án phòng chống tác hại thuốc lá, HealthBridge Việt Nam – khẳng định chính sách giá và thuế là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giúp giảm hút thuốc.

“Cần sớm bổ sung thuế tuyệt đối với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá”, TS Phương nói.

Tăng thuế thuốc lá không làm tăng buôn lậu

Trước những lo ngại về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng thuốc lá lậu, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam – khẳng định không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá.

Không những thế, một khảo sát trên 94 quốc gia cho thấy thực tế tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao và ngược lại.

Bên cạnh đó, rất nhiều nước đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá với mức đáng kể mà không phải chứng kiến sự gia tăng của tình trạng buôn lậu/sản xuất bất hợp pháp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các hoạt động bất hợp pháp có thể được kiểm soát bằng các quy định pháp lý và thực thi pháp luật.

Đại diện WHO dẫn ra có hai nguyên nhân chính gây ra buôn lậu thuốc lá. Thứ nhất, thuốc lá ngoại được buôn lậu vào Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu. Vì vậy dù cho thuế tiêu thụ đặc biệt có tăng hay giảm thì buôn lậu vẫn cứ xảy ra, nhằm trốn thuế nhập khẩu.

Ông Lâm dẫn một điều tra cho thấy thuốc lá ngoại được buôn lậu do thị hiếu của người hút thuốc (thường gọi là “gu”). Chính vì cái gu này mà nhiều người sẵn sàng chi tiền dù thuốc lá lậu ở Việt Nam có giá đắt hơn đáng kể so với hầu hết các loại thuốc lá hợp pháp.

Số liệu thực tế các năm theo thống kế cũng cho thấy các năm 2016 và 2019, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá đã được tăng từ 65% lên 70%, 75%. 

Tuy nhiên số lượng thuốc lá nhập lậu bị tiêu hủy giảm từ khoảng 6,4 triệu bao (năm 2018) xuống gần 1,4 triệu bao (năm 2019) và tăng trở lại năm 2020 (5,1 triệu bao), năm 2021 (gần 6,6 triệu bao) mặc dù những năm sau này không có sự tăng thuế. Số thu thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá tăng từ 13,4 nghìn tỉ (năm 2016) lên 19,3 nghìn tỉ (năm 2022).

ĐOÀN NHẠN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *