Chia khách cho chợ cóc, chợ tạm
Từ sau dịch COVID – 19, tình hình buôn bán của bà Trần Thị Tư (74 tuổi, tiểu thương bán gạo) ở quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) không còn tốt như trước.
Lý giải nguyên nhân, tiểu thương này chia sẻ, ngoài do kinh tế khó khăn, một lượng lớn khách hàng cũng bị chia ra cho các khu chợ tự phát.
“Giờ buôn bán khó khăn lắm, nhiều người bán, ít người mua, nhất là còn phải cạnh tranh với các chợ cóc, chợ tạm. Giá một số hàng hóa ngoài các khu chợ này có phần rẻ hơn chợ truyền thống vì không chịu gánh nặng thuê mặt bằng. Đặc biệt, bày hàng ngoài đường, nhiều người đi làm về thấy thuận tiện nên ghé mua thay vì phải vào chợ truyền thống mất thời gian. Việc buôn bán của tôi hiện nay thật khó bằng được với các tiểu thương ngoài chợ cóc, chợ tạm”, bà Tư nói.
Buôn bán ế ẩm, bà Huệ (tiểu thương bán trái cây) ở quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) cho biết, phần vì sạp hàng của bản thân nằm sâu bên trong, phần vì người tiêu dùng đều chi tiêu tiết kiệm.
“Giờ lượng người đi chợ không được nhiều như trước, sức mua kém hơn do ai cũng chi tiêu dè dặt. Chưa kể, thời gian tan làm, phần lớn mọi người đều thích ghé mua thực phẩm tại các khu chợ cóc vì tiện đường và có giá rẻ hơn. Cũng có người vào chợ truyền thống nhưng cùng lắm chỉ dừng lại ở những sạp đầu, dễ đậu xe để mua, còn sạp hàng của tôi nằm sâu bên trong chẳng được mấy ai”, tiểu thương này chia sẻ.
Bà Huệ cho biết thêm việc buôn bán không mấy khả quan cộng thêm nhiều tháng nay thời tiết nắng nóng, trái cây không để được lâu, dễ hư hao cũng khiến tiểu thương như bà bị thâm hụt vốn. Theo đó, có những loại trái cây chỉ để được 2-3 ngày, bán không kịp là lỗ ngay.
Không ra chợ cóc vì nhiều nỗi lo
Với tình hình buôn bán gặp nhiều khó khăn, không ít tiểu thương đã quyết định ra đường họp chợ cóc, chợ tạm để cải thiện sức mua, nhẹ gánh nặng tiền thuê kiot, mặt bằng. Trong khi đó, bà Tư vẫn quyết định ở lại chợ truyền thống vì nhiều lý do.
“Dù sao tôi cũng đã gắn bó hơn nửa cuộc đời với khu chợ này, nhờ nó mà nuôi sống cả gia đình, ít nhiều cũng có tình cảm. Với lại ra đường họp chợ cóc, buôn bán có thể tốt hơn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là về an toàn giao thông”, bà Tư tâm sự.
Từng nghĩ đến việc sẽ sang lại kiot ra vỉa hè bán nhưng do lo lắng về vấn đề an toàn giao thông, an ninh trật tự, bà Huệ chọn tiếp tục gắn bó với chợ truyền thống.
Theo bà Huệ, ở chợ truyền thống tuy phải mất tiền thuê kiot nhưng bù lại có người quản lý, an ninh trật tự được đảm bảo. Trong khi đó, buôn bán ngoài vỉa hè đắt khách hơn nhưng người bán người mua chen chúc, xe cộ luồn lách rất nguy hiểm.
“Là tiểu thương ai mà không muốn bán đắt hàng nhưng an toàn của bản thân vẫn là trên hết. Tôi đã lớn tuổi, dọn hàng ra vỉa hè chưa chắc tìm được chỗ bán. Buôn bán trên vỉa hè cũng là không đúng quy định, bản thân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ về việc bị phạt. Vì vậy, tôi vẫn cố gắng ở lại chợ truyền thống, mong một ngày tình hình khởi sắc”, bà Huệ bộc bạch.