Mảnh đất vàng trong vài năm tới
Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ, logistics không chỉ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng mà còn là yếu tố quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp. Những chiếc xe giao hàng chạy ngày đêm, từ thành thị đến miền sâu miền xa là minh chứng sống động nhất cho vai trò thiết yếu của logistics trong thương mại điện tử.
“Nội thành mà giao hàng 2-3 ngày là chết rồi” – ông Phan Mạnh Hà, giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam, nói tại diễn đàn “Logistics trong bối cảnh toàn cầu” do Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức.
Ông Hà nói niềm tin của khách hàng phụ thuộc trực tiếp vào chất lượng logistics.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam, cho biết TikTok đang thúc đẩy xu hướng “mua sắm giải trí” – nơi người tiêu dùng vừa mua hàng vừa thưởng thức các nội dung sáng tạo. Hệ thống logistics của TikTok Shop tập trung vào tốc độ, độ tin cậy và hợp tác cởi mở với các doanh nghiệp vận chuyển để mang lại trải nghiệm tốt nhất.
Dù logistics Việt Nam đã có những bước tiến dài nhưng con đường phía trước không hề dễ dàng. Theo các doanh nghiệp, các mặt hàng cồng kềnh hay tươi sống vẫn là bài toán khó để đưa lên sàn thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đây sẽ là mảnh đất vàng trong 3-5 năm tới, khi các nền tảng và doanh nghiệp logistics bắt tay hợp tác, tạo nên những hành trình vận chuyển xuyên quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tiềm năng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Đầu tư trung tâm fulfillment, các sàn sẵn sàng dùng chung
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Do Ventures và phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhận định rằng việc ứng dụng AI trong doanh nghiệp đã không còn là điều xa vời.
AI ngày nay không chỉ giúp tối ưu hóa vận hành mà còn bình dân hóa công nghệ, mở ra cơ hội tiếp cận cho cả những doanh nghiệp nhỏ. Trong lĩnh vực logistics, việc sử dụng AI để dự đoán nhu cầu và phân bổ nguồn lực là yếu tố then chốt giúp giảm chi phí, rút ngắn quãng đường giao hàng và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Ví dụ điển hình là các đơn hàng từ Hà Nội đến TP.HCM. Thay vì vận chuyển qua nhiều chặng, doanh nghiệp có thể tận dụng AI để quy hoạch nhóm hàng và tối ưu hóa lộ trình.
Nền tảng như TikTok Shop với khối lượng giao dịch lên đến 1 triệu đơn hàng/ngày đang tạo ra nhu cầu bùng nổ về logistics. Tuy nhiên không phải lúc nào lượng đơn cũng ổn định, do đó việc điều chỉnh linh hoạt và tối ưu nguồn lực trong những ngày thấp điểm là bài toán sống còn.
Tại TP.HCM, việc xây dựng các trung tâm hoàn thiện đơn hàng (fulfillment centers) được xem là chiến lược cần thiết, giải quyết bài toán chi phí và thời gian giao hàng.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu các sàn thương mại điện tử có sẵn sàng hợp tác sử dụng chung cơ sở hạ tầng hay không?
Từ góc nhìn Shopee, họ luôn tìm cách tối ưu quãng đường và chi phí giao hàng, miễn là các đối tác fulfillment đáp ứng được yêu cầu.
Dù vậy, theo bà Uyên Vy, đầu tư vào mảng fulfillment vẫn đầy thách thức. Xây dựng cơ sở hạ tầng cần sự bài bản ngay từ đầu. Một đơn vị giao hàng chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của nhà bán hàng trên các nền tảng như TikTok hay Shopee.
“Đây không phải lĩnh vực “dễ xơi” nhưng lại là thị trường đầy tiềm năng với các cơ hội lớn dành cho những doanh nghiệp biết cách nắm bắt” – giám đốc Quỹ đầu tư Do Ventures nói.