Đây là năm đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Việt Nam sau khi diễn ra thành công ở Singapore và Indonesia vào các năm trước.
Với chủ đề “ASEAN: Giao điểm hội nhập kinh tế thế giới”, sự kiện năm nay quy tụ hơn 600 khách mời là các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, đối tác thương mại từ các nước ASEAN, Trung Quốc, lãnh thổ Hong Kong cùng đại diện các cơ quan ban ngành tại Việt Nam.
TP.HCM bắt kịp xu hướng mô hình phát triển mới
Gửi thông điệp của TP.HCM đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế, ông Phan Văn Mãi – chủ tịch UBND TP.HCM – khẳng định thành phố luôn theo đuổi xu hướng hòa bình, hội nhập cùng phát triển với các đối tác ngay trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Ông Mãi cho biết Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế cao của khu vực và tăng trưởng của ASEAN và Việt Nam tiếp tục đạt mức cao trong năm 2024. UOB cũng dự báo mức tăng trưởng tích cực đối với Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024, phục hồi từ mức 5% trong năm 2023, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN.
Thời gian qua bức tranh địa chính trị thế giới có nhiều biến động dẫn đến tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó mô hình kinh doanh toàn cầu cũng thay đổi rất lớn với hành vi thói quen tiêu dùng mới, du lịch xanh gắn với điểm đến an toàn, thân thiện.
Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là mô hình phát triển của nhiều quốc gia. Đây vừa là cơ hội và cũng vừa là thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển.
“TP.HCM với truyền thống năng động, sáng tạo cũng nỗ lực bắt kịp các xu hướng và tự tin khẳng định vị trí trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội, là đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của khu vực Đông Nam Bộ cũng như cả nước”, ông Mãi khẳng định.
Nêu câu hỏi “Các đối tác đến với TP.HCM hay vùng Đông Nam Bộ sẽ cần gì?”, lãnh đạo TP.HCM cho rằng môi trường đầu tư, tiềm năng thị trường, khả năng gia nhập chuỗi logistics cũng như khả năng thích ứng của môi trường đầu tư sẽ là những yếu tố quan trọng.
TP.HCM đóng góp đến 16% GDP cả nước và 26% ngân sách quốc gia. Với vai trò này, thành phố được thừa hưởng cơ chế chính sách vượt trội hơn so với mặt bằng thể chế cả nước, đây là điều thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ…
Các nhà đầu tư đang hướng về Việt Nam
Cũng tại hội nghị, ông Victor Ngo, tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, đã chia sẻ các cam kết của định chế tài chính này tại thị trường Việt Nam. Đó là tạo ra hệ thống hỗ trợ, kết nối chính phủ, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ Việt Nam cũng như ASEAN phát triển kinh doanh, nâng tầm nhìn cũng như hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực.
“Khi các doanh nghiệp ngày càng hướng đến Đông Nam Á cũng như Việt Nam để mở rộng kinh doanh, điều quan trọng là phải đảm bảo khu vực của chúng ta vẫn thuận lợi và có sức cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Victor Ngo nói.
Ông Wee Ee Cheong, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Ngân hàng UOB Singapore, nhận định ba thành tố thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của khu vực. Bao gồm: chính sách của chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh xuyên biên giới; Xu hướng phi tập trung chuỗi cung ứng giúp thúc đẩy thương mại; và các ngành công nghiệp thúc đẩy nền kinh tế xanh.