Richard Slayman, 62 tuổi, trở thành người đầu tiên trên thế giới được ghép tạng lợn biến đổi gen tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) vào giữa tháng 3.2024.
Thận lợn được cung cấp bởi eGenesis – một công ty công nghệ sinh học. Theo bệnh viện, quả thận lấy từ một con lợn đã được chỉnh sửa gen để loại bỏ các gen có hại cho người nhận và thêm một số gen nhất định của con người để cải thiện khả năng tương thích. Công ty cũng vô hiệu hóa các loại virus vốn có ở lợn có khả năng lây nhiễm sang người.
Trường hợp này này đánh dấu cột mốc quan trọng trong lĩnh vực y học, giúp việc cấy ghép nội tạng trở nên dễ dàng hơn trong tương lai với phương pháp ghép lai – ghép nội tạng từ loài này sang loài khác.
Mặc dù phương pháp này có nhiều ưu điểm như nguồn cung nội tạng có thể chủ động nhưng cũng gây nên làn sóng phản đối, đặc biệt là từ các nhà bảo vệ quyền động vật.
Julia Baines – giám đốc cấp cao của PETA – cho biết, không có gì đáng ăn mừng (đối với việc cấy ghép nội tạng động vật – PV). Baines nói thêm, chưa có thí nghiệm nào thuộc loại này thành công cho đến thời điểm hiện tại. Slayman hiện là người thứ ba qua đời sau khi được cấy ghép nội tạng lợn.
Tuy nhiên, gia đình Slayman bày tỏ lòng biết ơn khi giúp họ có thêm thời gian bên cạnh người thân: “Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi đột ngột của Rick yêu dấu nhưng cũng vô cùng an ủi khi biết anh ấy đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người”.