Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki Kariwa nằm ở bờ biển phía tây Nhật Bản, trong khu vực nổi tiếng với tuyết rơi dày và hoạt động sản xuất rượu sake.
Khu phức hợp rộng 4,2 triệu m2 này từng là viên ngọc quý trong chiến lược của Nhật Bản nhằm tăng cường năng lượng nguyên tử lên 50% tổng năng lượng của đất nước vào năm 2030. Nhà máy từng được tổ chức Guinness Thế giới công nhận có sản lượng cao nhất trên toàn cầu, ở mức 8,2 gigawatt.
Sản lượng của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới đủ để cung cấp cho hơn 13 triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, 7 lò phản ứng tại Kashiwazaki Kariwa đã bị đóng sau trận sóng thần và thảm họa tại nhà máy Fukushima Dai-Ichi ở miền đông Nhật Bản năm 2011.
Hiện nay, khi Nhật Bản tìm cách thúc đẩy nền kinh tế bằng cách thu hút các nhà sản xuất chip bán dẫn như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và các trung tâm dữ liệu AI vốn tiêu thụ nhiều năng lượng, các cuộc tranh luận đang nóng lên về việc có nên trao cơ hội mới cho Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) – nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa.
Trong cuộc phỏng vấn tháng 3 năm nay tại Tokyo, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết: “Điều rất quan trọng với Nhật Bản là việc tin tưởng vào Kashiwazaki Kariwa một lần nữa. Có bao nhiêu quốc gia có năng lực nhàn rỗi đó? Nhiều quốc gia ước gì họ có được nhà máy này”.
Tuy nhiên, Bloomberg chỉ ra, tại Nhật Bản, việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân đã ngừng hoạt động đang gặp nhiều trở ngại về mặt chính trị.
Năm 2017, 2 lò phản ứng tại Kashiwazaki Kariwa đã được cơ quan quản lý hạt nhân quốc gia Nhật Bản chấp thuận cho tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, thời điểm để vận hành lại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới vẫn chưa được xác định vì việc khởi động lại các lò phản ứng chưa nhận được sự chấp thuận của chính quyền địa phương.
Hội đồng khu vực của tỉnh Niigata, nơi đặt nhà máy Kashiwazaki Kariwa dự kiến họp vào tháng 6 tới để quyết định có ủng hộ việc mở lại nhà máy hay không.
Nhật Bản đã khởi động lại 12 lò phản ứng hạt nhân từ năm 2011 nhưng việc khởi động lại các lò phản ứng tại Kashiwazaki Kariwa, dưới sự quản lý của TEPCO, mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ.
Niềm tin vào TEPCO suy giảm vào năm 2007 khi động đất mạnh 6,8 độ richter làm hư hại Kashiwazaki Kariwa, khiến chất phóng xạ bị rò rỉ và dẫn đến một cuộc điều tra của IAEA.
Thảm họa Fukushima 4 năm sau đã giáng một đòn nặng nề hơn. Vụ việc này được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ vụ nổ Chernobyl năm 1986, với tổng chi phí dọn dẹp khoảng 23 nghìn tỉ yên.
Năm 2021, cơ quan quản lý hạt nhân đã tạm thời cấm TEPCO vận hành Kashiwazaki Kariwa sau khi có những sai sót an ninh. Lệnh cấm này hiện đã được dỡ bỏ.
TEPCO khẳng định đã giải quyết được những lo ngại về an toàn. Trang web của công ty liệt kê 8 biện pháp đang triển khai để biến Kashiwazaki Kariwa trở thành “nhà máy điện hạt nhân an toàn của thế giới”, gồm xây tường chắn sóng và rào chắn lũ cao 15m, xây hồ chứa 20.000 tấn nước để làm mát các lò phản ứng trong trường hợp khẩn cấp.
Theo Bloomberg, TEPCO đã nạp nhiên liệu hạt nhân vào lò phản ứng số 7 tại Kashiwazaki Kariwa. Phân tích các lần khởi động lại lò phản ứng trước đây ở Nhật Bản, BNEF dự báo, TEPCO có thể tiếp tục hoạt động tại lò phản ứng số 7 của Kashiwazaki Kariwa vào tháng 10 tới.
Bloomberg chỉ ra, câu chuyện với nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa nêu bật cân bằng mong manh mà nhiều quốc gia phải đối mặt khi nỗ lực giải quyết các mối lo ngại về sức khỏe và an toàn với nhu cầu năng lượng quốc gia và các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.