Tân Hoa Xã cho hay, kỳ họp thứ 2 Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính Hiệp) khóa 14 khai mạc lúc 15h chiều 4.3, kéo dài 6 ngày và bế mạc sáng 10.3. Trong khi đó, kỳ họp thứ 2 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) khóa 14 khai mạc tại Bắc Kinh ngày 5.3.
Các nhà quan sát nhận định, lộ trình phát triển kinh tế của Trung Quốc được vạch ra trong kỳ họp lưỡng hội là nội dung được quan tâm lớn vì có tác động rất sâu rộng trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu hiện nay.
Một loạt chủ đề kinh tế được đặt ra trong chương trình nghị sự của kỳ họp, bao gồm mục tiêu tăng trưởng GDP, tỉ lệ thâm hụt trên GDP, chính sách tài chính và tiền tệ cũng như việc làm.
Theo Thời báo Hoàn cầu, các đại biểu và cố vấn chính trị cũng đang đánh giá sâu sắc việc xây dựng chính sách liên quan đến thúc đẩy nền kinh tế tư nhân, tạo ra “lực lượng sản xuất mới” cũng như cải cách thị trường tài chính sâu rộng, cùng những vấn đề khác được công chúng quan tâm.
Trong cuộc họp báo ngày 3.3, ông Lưu Kết Nhất – người phát ngôn của kỳ họp thứ 2 Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân khóa 14 – thông tin rằng, các vấn đề kinh tế luôn là trọng tâm.
Thời báo Hoàn cầu nhận định, một trong những mục tiêu kinh tế được theo dõi rộng rãi nhất trong kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc là mục tiêu GDP. Các đại biểu và các nhà kinh tế chỉ ra, văn bản tại kỳ họp về GDP sẽ đặt ra những tín hiệu và các biện pháp cho công tác kinh tế trong năm nay. Văn bản này cũng làm sáng tỏ cách chính phủ Trung Quốc đưa ra tính toán toàn diện nhằm cân bằng một số mục tiêu bao gồm ổn định việc làm, ngăn ngừa rủi ro, cải thiện sinh kế của người dân, nâng cao kỳ vọng của xã hội, đồng thời phối hợp với các mục tiêu nêu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025).
Các nhà quan sát cho rằng, mục tiêu GDP của Trung Quốc có thể được đặt ở mức khoảng 5%. Việc Trung Quốc diễn đạt định hướng chính sách tài chính và tiền tệ như thế nào cũng là trọng tâm được quan tâm khác của thị trường.
Các đại biểu cũng kỳ vọng Báo cáo công tác Chính phủ năm 2024 sẽ giải thích kế hoạch của Trung Quốc nhằm tạo ra “lực lượng sản xuất mới” – khái niệm mới được nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đề xuất vào tháng 9.2023 – nhằm hiện đại hóa trong những năm tới.
“Tạo ra “lực lượng sản xuất mới” là bước đi quyết định trong quá trình phát triển chất lượng cao của nền kinh tế, trong bối cảnh Trung Quốc chuyển đổi kinh tế và cách mạng công nghệ sâu rộng” – Guo Guoping – Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 14, đồng thời là nhà khoa học trưởng của Origin Quantum – chia sẻ.
Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu nóng bỏng, việc tạo ra “lực lượng sản xuất mới” cũng là điều cần thiết để Trung Quốc tạo ra những đột phá trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và điện toán lượng tử, đồng thời đạt được khả năng tự cung tự cấp cao hơn ở một số lĩnh vực do nước ngoài thống trị, theo các đại biểu.
Ngoài ra, một số ý kiến và đề xuất năm nay chủ yếu tập trung vào củng cố niềm tin của nền kinh tế tư nhân. Cải cách sâu rộng trong các lĩnh vực then chốt cũng là trọng tâm thảo luận của kỳ họp. Trong số đó, cách các cơ quan quản lý Trung Quốc phản ứng với những lo ngại của nhà đầu tư và thúc đẩy cải cách sâu sắc hơn trên thị trường chứng khoán đã thu hút được nhiều sự chú ý.