Theo ghi nhận từ Tuổi Trẻ Online, giá cau non tươi ở nhiều địa phương liên tục lập đỉnh mới, có nơi lên tới 90.000 đồng/kg, 1 tấn cau đổi được 1 lượng vàng.
Mua cau để sản xuất kẹo cau
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Dương Anh (quản lý một xưởng sấy cau khô tại tỉnh Đắk Lắk) cho biết xưởng của ông thu mua cau non rồi sấy khô và xuất bán cho Trung Quốc nhằm sản xuất kẹo cau.
Trung bình mỗi ngày xưởng ông Dương Anh thu mua 12 – 13 tấn cau non, với tỉ lệ sấy khô là 5 – 7kg cau non được 1kg cau khô. Mỗi ngày xưởng xuất từ 2,2 – 2,3 tấn cau khô, mỗi mẻ cau khô cần hơn 5 ngày để sấy.
“Đơn đặt hàng từ Trung Quốc dồn dập, xưởng hoạt động hết công suất, làm tới đâu họ xúc tới đó, làm không kịp bán”, ông Dương Anh chia sẻ.
Hiện tại, giá cau khô được xưởng của ông Dương Anh bán dao động từ 500.000 đến 570.000 đồng/kg. Tuy nhiên, không phải loại cau nào cũng có giá cao. Theo ông Dương Anh, cau non hạt nhỏ, trái dài cho chất lượng cao nhất để sản xuất kẹo, giá đắt nhất. Các loại cau lùn, cau tròn hay cau già có giá trị thấp hơn.
Ông Dương Anh thông tin qua những gì nắm được: “Nhiều chủ Trung tiết lộ một gói kẹo cau 50 – 70 gram cần dùng khoảng 12 trái cau khô để sản xuất. Kẹo xịn từ cau tươi non được bán với giá khoảng 350.000 đồng cho một gói, trong khi trên thị trường cũng có nhiều loại rẻ hơn, tùy thuộc vào nguyên liệu”.
Theo ông, kẹo cau rất phổ biến tại Trung Quốc, đặc biệt ở vùng lạnh, nhờ có công dụng chống viêm họng và giữ ấm cơ thể. Tại Việt Nam, người tiêu dùng có thể tìm thấy kẹo này tại các cửa hàng bán đồ Trung Quốc quanh khu công nghiệp Bình Dương, nơi có nhiều người Trung Quốc làm việc.
Lý giải nguyên nhân khiến giá cau tươi tăng chóng mặt gần đây, ông Dương Anh cho rằng tình hình bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các vùng trồng cau, dẫn đến sự thiếu hụt nguyên liệu làm kẹo cau.
Trong khi đó, vùng trồng cau tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bão, nên nguồn cung vẫn ổn định, khiến thương lái Trung Quốc đua nhau mua.
Trên mạng xã hội TikTok, nhiều đoạn video ghi lại cảnh người dân thu hoạch cau tươi, sấy khô để sản xuất kẹo cau đã thu hút hàng ngàn lượt xem. Trong các video này, những trái cau tươi được thu mua, làm sạch, sau đó sấy khô, đóng gói và vận chuyển tới nhà máy chế biến sản xuất kẹo cau.
Kẹo cau non khô có vị ra sao?
Bên cạnh những video ghi lại quy trình sản xuất, trên TikTok cũng xuất hiện nhiều video review hương vị của loại kẹo cau độc đáo này.
Một TikToker trên kênh “review nghiêm túc” mô tả vị kẹo giống xi rô ho, có mùi bạc hà pha lẫn mùi sâm. Kẹo có lớp vỏ ngoài cứng, cần thời gian ngậm mới mềm, vị càng nhai càng ngọt, hậu vị ngọt và hơi đắng.
Trong khi đó, một TikToker khác nhận xét rằng loại kẹo này rất cứng, có vị the mát giống kẹo cao su, vị ngọt cam thảo chứ không ngọt gắt như đường. Sau khi nhai sẽ ra bã đỏ cam như bã trầu.
Khảo sát trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam cho thấy kẹo cau được bán với giá phổ biến từ 60.000 đến 200.000 đồng/gói, tùy kích cỡ và thương hiệu. Người bán cũng lưu ý rằng không nên nuốt bã sau khi nhai, vì ăn lần đầu không quen có thể bị nóng, say, chóng mặt, thậm chí tức ngực.
Tại Việt Nam, kẹo cau vốn là đặc sản bình dân nổi tiếng ở Huế, tuy nhiên rất khác với kẹo cau khô Trung Quốc.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế, kẹo cau Huế có hình dáng như miếng cau chẻ nhỏ, với phần trong cứng màu vàng óng giống như hạt cau, và phần ngoài màu trắng, được làm từ bột trộn đường. Thực khách thường ngậm kẹo cau trong lúc thưởng trà để kích thích vị giác.
Ngoài kẹo cau, tại Trung Quốc, cau còn được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau và làm thuốc. Người dân tỉnh Hồ Nam thường xào thịt vịt với cau khô để tăng hương vị, trong khi ở tỉnh Giang Tây, họ hầm cau khô cùng chim cút hoặc nấu cháo để bồi bổ cơ thể và cải thiện tiêu hóa.