SCMP đưa tin, ngày 6.6, Trung Quốc ký thỏa thuận về tuyến đường sắt quan trọng nối nước này với Kyrgyzstan và Uzbekistan ở Trung Á – một dự án được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi là “minh chứng cho sự quyết tâm”.
Tuyến đường này, được đề xuất lần đầu tiên vào những năm 1990, sẽ đóng vai trò là giải pháp thay thế nhanh hơn và rẻ hơn cho các tuyến đường bộ Trung Quốc – châu Âu hiện tại, hầu hết đều đi qua Nga.
“Tuyến đường sắt Trung Quốc – Kyrgyzstan – Uzbekistan là một dự án chiến lược nhằm kết nối Trung Quốc với Trung Á và là một dự án mang tính bước ngoặt để ba nước chúng tôi cùng nhau xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường” – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong thông điệp được đưa ra nhân dịp này.
Thỏa thuận báo hiệu rằng tham vọng kéo dài hàng thập kỷ của Bắc Kinh nhằm mở rộng kết nối với các nước Á-Âu cuối cùng đã đi đúng hướng.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, thỏa thuận nói trên cung cấp “nền tảng pháp lý vững chắc” cho việc xây dựng tuyến đường sắt mới và biến dự án “từ tầm nhìn thành hiện thực”.
“Nó chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy quyết tâm vững chắc của ba nước trong việc cùng nhau thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm sự phát triển chung” – ông Tập Cận Bình nói.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ hợp tác với Kyrgyzstan và Uzbekistan xây dựng tuyến đường chiến lược có lợi cho cả ba bên và phát triển khu vực trong thời gian sớm nhất.
Tân Hoa Xã đưa tin, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, cũng đã gửi điện mừng.
Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov cho biết, tuyến đường sắt dài 523 km sẽ trở thành tuyến giao thông mới từ châu Á đến châu Âu và Vịnh Ba Tư, đồng thời sẽ thúc đẩy kết nối và thương mại khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev nhấn mạnh, đây không chỉ là tuyến đường ngắn nhất từ Trung Quốc đến Trung Á mà còn tới Nam Á và Trung Đông, “vì lợi ích lâu dài của các quốc gia liên quan”.
Tuyến đường sắt trị giá 8 tỉ USD này bắt đầu ở Kashgar, Tân Cương của Trung Quốc, đi qua phía tây nam Kyrgyzstan và kết thúc tại Andijon ở miền đông Uzbekistan. Tuyến đường sắt sẽ rút ngắn hành trình vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu 900 km, đóng vai trò như một giải pháp thay thế nhanh hơn và rẻ hơn so với các tuyến đường bộ hiện tại giữa Trung Quốc và châu Âu, hầu hết đều đi qua Nga.
Dự án này được đề xuất lần đầu tiên vào những năm 1990 và ba bên đã ký biên bản ghi nhớ về tuyến đường sắt vào năm 1997. Tuy nhiên, dự án bị đình trệ do các vấn đề kỹ thuật, chính trị và địa chính trị.
Nga, vốn coi Trung Á là sân sau ảnh hưởng của mình, ban đầu không hào hứng với dự án này nhưng giờ đã bày tỏ ủng hộ.