Ngày 19-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Như Cường – cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhận định về chuyện cau tăng giá rồi rớt thê thảm, như “công thức”. Qua đó, đặt ra nhiều bài học về mặt hàng xuất tiểu ngạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói gì khi giá cau tăng vọt rồi ‘tụt dốc không phanh’?
Nếu như 1 tấn cau từng đổi được 1 lượng vàng, thì một tuần qua, nhiều người trồng cau bắt đầu lo “vàng mặt” vì giá cau đang lao dốc, thậm chí có nơi ngừng thu mua.
Tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có không ít lò thu mua cau. Tuy nhiên, cảnh nhân viên tất bật thu mua, cũng như người nhặt tách cau… không còn nhộn nhịp như chục ngày trước.
Ông Phạm Hùng Phi (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn) cho biết: “Năm nào tôi cũng đi làm cau. Việc của mình là cân, kiểm tra, giao tiền. Đầu tháng 9 đến khoảng đầu tháng 10, cân cau không kịp ngước mặt lên vì hàng tấp nập. Chục ngày qua, lưa thưa và chuẩn bị không mua cau nữa. Giá còn 40.000 – 50.000 đồng/kg mà dè chừng, mua vào lại sợ không có nơi bán ra”.
Theo anh Nguyễn Văn Nam (một thương lái ở Hà Nội), nơi thu mua cau mạnh nhất là Trung Quốc. Cau được thị trường này tiêu thụ để làm kẹo cau, hoặc nguyên liệu hầm cháo, chim cút…
Ba tháng qua, ông Nam nói tăng thu mua cau, gom bằng container ở các tỉnh miền Trung ra. “Tuy nhiên khách của tôi báo thị trường bên này đã thu chậm lại. Mình tự hiểu và điều chỉnh kế hoạch, giá cả. Vì thế, đơn hàng nào đã lấy cọc mà chưa giao đủ, tôi sẽ gom giao đủ. Sau đó tùy tình hình, có thể dừng thu mua”, ông Nam nói.
“Quá nhiều bài học từ tiêu, thanh long…!?”
Ông Nguyễn Như Cường – cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – thừa nhận chuyện cau tăng giá, cau được đổ xô thu mua, rồi giảm giá không phanh… đúng là thành “công thức”.
“Tôi nói đúng là “công thức” với những mặt hàng xuất tiểu ngạch. Đặc biệt là các mặt hàng có tính rất hẹp về thị trường. Cơ quan nhà nước, báo chí truyền thông nói mãi, nói nhiều và từ lâu nhưng nông dân mình vẫn nặng bệnh “hay quên”.
Quá nhiều bài học từ tiêu, thanh long… Bộ cũng rất nhiều lần khuyến cáo, cảnh báo, định hướng.
Nhiều bài học về việc phá bỏ cây này, trồng cây kia khi giá lên cao và không theo định hướng, không có thị trường ổn định. Tuy nhiên, quyết định là nằm ở nông dân. Khi thương lái không mua nữa thì cơ quan chức năng không can thiệp được vì đây là hành động tự phát”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, nếu muốn phát triển cây cau, phải có định hướng, phải trồng ở những vùng có lợi thế, phải có ký kết thu mua bài bản của các doanh nghiệp của Trung Quốc, tránh phụ thuộc vào các thương lái, tiểu thương theo đường tiểu ngạch…
Trong khi đó, một lãnh đạo Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá giá cau tăng vọt khi thương lái Trung Quốc tăng mua do nhu cầu tiêu thụ quả này tăng đột biến.
“Cây cau không phải là cây trồng, nông sản chủ lực như lúa, gạo, cà phê… nên việc thu mua giá cao kỷ lục chỉ mang tính đột biến và nhất thời. Quy luật thị trường không có sự bền vững như các nông sản xuất khẩu khác”, vị này nhận định.