Các quan chức của cả Nga và Ukraina thông tin ngày 12 và 13.3 rằng, máy bay không người lái của Ukraina đã tấn công 4 nhà máy lọc dầu của Nga gần đây, dẫn tới cháy các kho chứa, thùng nhiên liệu và cơ sở hạ tầng dầu mỏ trên khắp nước Nga.
Kể từ đầu năm 2024, Ukraina nhận trách nhiệm về gần chục cuộc tấn công tương tự và chính quyền các địa phương của Nga cũng báo cáo thêm 5 vụ khác.
Các chuyên gia và quan chức Ukraina cho biết, Kiev hy vọng sẽ làm gián đoạn các tuyến hậu cần và hoạt động chiến đấu của quân đội Nga khi tấn công các nhà máy lọc dầu. Đây là những nơi cung cấp xăng, dầu diesel và nhiên liệu cho xe tăng, máy bay chiến đấu và các thiết bị quân sự quan trọng khác của Nga.
Ngoài ra, Kiev hy vọng làm giảm đi lợi nhuận mà Mátxcơva kiếm được từ xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ cũng như dẫn tới gián đoạn thị trường dầu mỏ nội địa của Nga.
Nhà phân tích năng lượng người Nga Mikhail Krutikhin hiện sống ở Oslo, Na Uy, cho hay, các cuộc không kích đã khiến Mátxcơva công bố lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1.3, trong nỗ lực đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước trong khi sửa chữa hư hỏng của các nhà máy lọc dầu.
Tuần trước, tình báo quân đội Anh cho biết: “Có khả năng công suất lọc dầu của Nga tạm thời bị giảm” do nhiều cuộc tấn công của Ukraina nhằm vào các nhà máy lọc dầu.
Các nhà máy dầu của Nga phân bố rời rạc, khó bảo vệ và có quá nhiều nhà máy lọc dầu trên khắp nước Nga tới mức nước này không thể cung cấp hệ thống phòng không cho tất cả, theo chuyên gia năng lượng Krutikhin và giáo sư Damien Ernst tại Đại học Liège ở Bỉ. Nhiều nhà máy của Nga bị tấn công nằm ở phía tây, gần Ukraina hơn.
Các nhà máy lọc dầu là trọng tâm trong các cuộc tấn công vì đây là nơi dầu thô được chuyển thành các sản phẩm có giá trị như xăng, dầu diesel, dầu hỏa và nhiên liệu máy bay.
Ông Ernst và ông Krutikhin lưu ý, không giống như các cơ sở hạ tầng dầu mỏ khác như đường ống dẫn khí, nhà máy lọc dầu có rất nhiều máy móc và kỹ thuật phức tạp nên có thể cần tới vài tháng để sửa chữa.
Nhiều nhà phân tích nhận định, việc sửa chữa có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường vì các lệnh trừng phạt Nga khiến nước này khó nhập linh kiện từ phương Tây.
New York Times chỉ ra, những gián đoạn như vậy không có nghĩa là Ukraina thực sự có thể làm suy yếu gã khổng lồ năng lượng của Nga. Dầu khí vốn là cốt lõi của nền kinh tế nước này.
Hiện vẫn chưa rõ tác động nào, nếu có, của các cuộc tấn công đối với xung đột Nga – Ukraina. Nga vẫn có lợi thế trên thực địa và liên tục gây sức ép dọc tuyến đầu trong những tuần gần đây.
Sergey Vakulenko – chuyên gia năng lượng tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie – cho hay: “Sẽ còn khá lâu nữa Ukraina mới có thể tiếp cận đủ các cơ sở lọc dầu để tác động đến công suất dầu diesel của Nga”.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch ở Phần Lan, kể từ khi xung đột Nga – Ukraina nổ ra, Nga đã thu về khoảng 450 tỉ USD từ xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ. Các chuyên gia quân sự cho rằng, nguồn thu này đã giúp Nga mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng, mua tên lửa, máy bay không người lái từ Iran và Triều Tiên.