Xuất khẩu hàu của Việt Nam “thắng lớn” trong vài năm gần đây, nhất là năm 2023, tăng trưởng “bứt tốc” ở hàng chục thị trường. Hàu như “ngôi sao” của sản phẩm nhuyễn thể có vỏ, với nhu cầu tăng rất cao vì có rất nhiều giá trị dinh dưỡng.
Hàu Việt Nam xuất khẩu từ tăng trưởng tốt đến giảm sút mạnh, đặt ra câu hỏi cho các doanh nghiệp, cũng như tìm giải pháp để tránh bị chi phối khi phụ thuộc vào thị trường chính của sản phẩm này.
Bị chi phối xuất khẩu bởi thị trường chủ chốt
Theo VASEP, sau một thời gian tăng trưởng liên tục từ đầu năm, xuất khẩu hàu của Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm trong những tháng cuối năm 2024.
Cụ thể, từ tháng 8 đến nay giá trị xuất khẩu hàu Việt Nam sụt giảm liên tục, đỉnh điểm tháng 10 giảm 19%. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nên tính luỹ kế 10 tháng, giá trị xuất khẩu hàu vẫn tăng 14%, đạt hơn 12 triệu USD.
Còn nửa năm 2024 giá trị xuất khẩu hàu của Việt Nam đạt gần 7 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, cả năm 2023, hàu Việt xuất khẩu chủ yếu là hàu tươi, ướp lạnh đạt trên 14 triệu USD, tăng tới 56% so với năm 2022.
Hàu Việt có mặt ở thị trường Đài Loan chủ yếu là hàu tươi ướp đá, để chế biến các món đặc sản ở Đài Loan như: mì hàu và trứng chiên hàu.
Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàu dưới dạng sản phẩm tách vỏ ướp đá hay thịt hàu, nhưng thực tế, “chiếc áo” xuất khẩu hàu của Việt Nam rất chật, chủ yếu thị trường châu Á, chưa tiếp cận được nhiều thị trường lớn.
Trong đó, Đài Loan là thị trường chi phối xuất khẩu, chiếm 76% tổng giá trị xuất khẩu hàu của Việt Nam. Ngoài Đài Loan, Lào và Campuchia cũng là 2 nước chuộng hàu của Việt Nam.
Tìm “chiếc áo” rộng hơn cho hàu Việt Nam xuất khẩu
Ngày 5-12, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Minh Phương – giám đốc Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng) – thừa nhận hàu bị chi phối xuất khẩu bởi thị trường Đài Loan là đúng. Nhưng thực tế hiện nay không có hàu để bán sang các thị trường.
“Vì cơn bão số 3 (Yagi) khiến hàu bị cuốn đi sạch do bão, mất khoảng 80% hàu, vì thế không có hàu nguyên liệu để bán.
Chúng tôi chuyên xuất khẩu hàu chế biến sang Nhật, còn doanh nghiệp nhỏ lẻ mới xuất hàu đông lạnh sang Đài Loan”, ông Phương thông tin.
Giải phát để phát triển chuỗi nuôi hàu, theo ông Phương cần khắc phục được điểm yếu ngành hàu là nguồn nước, để nuôi hàu sạch hướng đến xuất khẩu.
Ngoài ra, cần đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ đảm bảo được chất lượng thịt; cần có nguồn giống tốt; thay đổi phương pháp nuôi để hướng đến hàu ăn sống và xuất khẩu…
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe – tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – nhìn nhận Đài Loan là thị trường với thị hiếu đa dạng.
“Một trong bốn con rồng của châu Á” đóng vai trò trung gian cho rất nhiều loại sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ và Đông Á.
Ông Hòe nói: “Đây là thị trường thuận lợi cho thủy sản Việt Nam gia tăng giá trị nhiều hơn nữa. Nhưng ngược lại, nếu sức mua ở thị trường chủ chốt yếu, kéo cả ngành hàng hàu xuất khẩu sụt giảm. Để tránh bị phụ thuộc, cũng như những ngành hàng khác, hàu Việt Nam phải tính hướng đi mới”.
Theo số liệu từ Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), tại Khánh Hòa, 95% sản lượng hàu dùng làm thức ăn tôm hùm, 4% dùng làm thực phẩm cho người thị trường nội địa và 1% cho xuất khẩu.
Hay như tại TP.HCM, thành phố có 220ha nuôi hàu tại huyện Cần Giờ, sản lượng trên 21.000 tấn mỗi năm nhưng chủ yếu tiêu thụ tại chỗ.