Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng từ 6,8 – 7% của năm 2024 là thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh nhà xưởng, phương tiện sản xuất… của hàng loạt doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão Yagi, thiệt hại của nền kinh tế ước tính lên tới 81.500 tỉ đồng (tính tới ngày 27-9), thậm chí lên tới gần 100.000 tỉ đồng.
Việt Nam tạo “bất ngờ lớn”
Trong báo cáo phát hành mới đây, bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC cho biết mức tăng trưởng 7,4% trong quý 3 của Việt Nam “cao hơn hẳn so với kỳ vọng”.
Sau năm 2023 và quý 1-2024 “đầy vất vả”, Việt Nam đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN, dù Việt Nam đã chịu tác động của siêu bão Yagi.
Điều đáng khích lệ là sự phục hồi của thương mại ban đầu chỉ tập trung trong lĩnh vực điện tử nhưng giờ đang cho thấy dấu hiệu lan rộng, chẳng hạn như xuất khẩu dệt may và da giày tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước…, theo báo cáo của HSBC.
Với diễn biến “bất ngờ tích cực” trong quý 3, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức dự báo trước đó là 6,5%.
Trong báo cáo cập nhật về Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng Standard Chartered cũng nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8%, so với dự báo 6% trước đó.
Theo các chuyên gia của ngân hàng ngoại này, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối mạnh mẽ, với sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, sản xuất…
“Dù áp lực trong ngắn hạn vẫn tồn tại, nhưng chúng tôi cho rằng khả năng hoạt động của nền kinh tế Việt Nam đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered, khẳng định.
Theo vị chuyên gia này, việc Chính phủ đang đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế có thể giúp duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời gian tới và các động thái của Fed cũng sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng Singapore United Overseas Bank (UOB) cũng nâng dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 6,4%. Trong khi đó, ADB dự báo tăng trưởng là 6% và Ngân hàng Thế giới (WB) kỳ vọng tốc độ này là 6,1%…
Áp lực lớn với mục tiêu 7%
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Báu, nhà sáng lập, tổng giám đốc Công ty CP WiGroup – đơn vị cung cấp dữ liệu kinh tế có quy mô lớn nhất Việt Nam, cho biết khi số liệu GDP quý 3 được công bố, các tổ chức quốc tế đa phần đều bất ngờ vì con số công bố cao hơn rất nhiều so với dự báo của các tổ chức này, nhất là sau khi các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi.
Theo thống kê, bão Yagi – đổ bộ vào Việt Nam đầu tháng 9 – đã gây ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa, khu vực chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước.
Tính đến 27-9, ước tính thiệt hại khoảng 81.500 tỉ đồng nhưng theo ước tính của WiGroup, con số thiệt hại có thể lên tới gần 100.000 tỉ đồng, tức tương đương 1% GDP danh nghĩa của Việt Nam năm 2023.
Do đó, theo ông Báu, để chạm tới mục tiêu cả năm 7%, quý 4 sẽ chịu áp lực không nhỏ. Mức ước tính đạt trong quý 4 phải trên 7,1%. Trong khi đó, cơn bão đã gây thiệt hại về nhà xưởng, phương tiện sản xuất…, nên ảnh hưởng về kinh tế sẽ còn kéo dài sang quý 4.
Ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, giám đốc Economica Việt Nam, cho rằng việc quan trọng nhất sau cơn bão Yagi vẫn là khôi phục được sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại các tỉnh phía Bắc, khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp lớn của cả nước. “Việc hỗ trợ hồi phục sản xuất kinh doanh cần được đẩy mạnh thông qua hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, thuế…”, ông Bình nói.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hong Sun, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), cho biết đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động trở lại, mau chóng bắt tay vào sản xuất để kịp giao hàng dịp cao điểm cuối năm.