Theo Korea Herald, trở thành ngôi sao Kpop từng là một trong những ước mơ hàng đầu của các chàng trai và cô gái ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong khi nhiều cô gái vẫn khao khát ước mơ này, thì các chàng trai ngày càng từ bỏ khát vọng. Họ đã nhận thức rõ hơn về thực tế khắc nghiệt của việc trở thành một ngôi sao Kpop.
Các thực tập sinh thường trải qua 3 đến 5 năm đào tạo nghiêm ngặt và phải cạnh tranh quyết liệt để có cơ hội ra mắt mong manh. Ngay cả khi họ đạt được sự nổi tiếng, họ thường mất đi cuộc sống riêng tư trong quá trình hoạt động.
Các công ty giải trí Kpop cho biết, họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thực tập sinh nam, cả về số lượng và chất lượng.
Vì nhiều thanh niên hiện nay thích trở thành người có tầm ảnh hưởng (Influencer) hoặc YouTuber, những công việc có khả năng mang lại lợi nhuận lớn hơn và có sự tự do nhiều hơn.
“Khoảng 2-3 năm nay, số lượng thực tập sinh nam đã giảm hơn 30%. Trong một nhóm thực tập sinh khoảng 30 người thì chỉ có dưới 10 chàng trai”, một quan chức của hãng thu âm địa phương tiết lộ.
Vị quan chức này nói thêm: “Những tài năng triển vọng đều đã trở thành người có tầm ảnh hưởng trên Instagram hoặc YouTube, vì những con đường đó có cơ hội thành công cao hơn so với việc ra mắt trong một nhóm nhạc nam Kpop.
Trong khi đó, các thực tập sinh Kpop phải đối mặt với nhiều hạn chế khác nhau, chẳng hạn như không thể hẹn hò và duy trì chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt”.
Các ngôi sao Kpop, hay thường được gọi là thần tượng (idol), phải tuân thủ “tiêu chuẩn đạo đức” do công chúng mặt ra, bao gồm cả hạn chế về hẹn hò.
Nhiều thần tượng như D.O (EXO), V (BTS) bị chỉ trích vì hút thuốc lá. Gần đây, Jennie của nhóm Blackpink đã phải công khai xin lỗi vì hút thuốc lá điện tử trong nhà ở Ý.
Vào tháng 3, Karina của aespa đã chia tay bạn trai diễn viên và xin lỗi người hâm mộ – những người đã cáo buộc cô “lừa dối” họ bằng cách bắt đầu một mối quan hệ tình cảm khi mới ra mắt được vài năm.
Nhưng tại sao chỉ có số lượng thực tập sinh nam là giảm mà không phải nữ?
Một người trong ngành cho rằng, nguyên nhân là do các nhóm nhạc nam thiếu tính bền vững.
“Đối với các thần tượng nhóm nhạc nam Kpop, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc là rất quan trọng. Các thực tập sinh nam cân nhắc xem họ có thể duy trì sự nghiệp của mình trong bao lâu sau khi xuất ngũ.
Hầu hết thời gian, họ mất người hâm mộ và không thể tiếp tục sự nghiệp. BTS và Seventeen là những trường hợp ngoại lệ.
Hơn nữa, bạn cần những nhóm nhạc nam thành công mới mà các thực tập sinh nam trẻ tuổi có thể ngưỡng mộ. Nhưng chưa có nhóm nhạc nam Kpop nào đạt được thành công tương tự như BTS. Có thể là Seventeen, song họ không phải là nhóm nhạc mới.
Các thực tập sinh nam biết điều này và không muốn hy sinh tuổi trẻ của mình cho sự bất định”, người này tiết lộ.
Nhà phê bình âm nhạc Kim Do Heon cho rằng, các công ty giải trí nên đối xử tốt hơn với thực tập sinh, bất kể giới tính nào.
“Vấn đề mất thực tập sinh nam tại các công ty Kpop đã tồn tại khá lâu. Các công ty giải trí cần cung cấp môi trường làm việc tốt hơn cho thực tập sinh theo xu hướng hiện tại.
Tôi chắc chắn rằng số lượng thực tập sinh nữ cũng sẽ giảm trong tương lai nếu hệ thống đào tạo lỗi thời không được cải thiện”, nhà phê bình nhận định.