Theo Bộ Công Thương, Thái Lan là thị trường tiềm năng có giá trị hàng tỉ USD đang thu hút nông sản Việt, cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chiếm lĩnh, ghi dấu ấn.
Người Thái chuộng trái cây, rau quả Việt
Theo nhiều chuyên gia, dù là một cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng Thái Lan cũng đang có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu các loại trái cây, rau củ tươi của VN.
Ông Nguyễn Văn Thành (doanh nghiệp ở Hà Nội, chuyên thu mua rau quả để xuất khẩu sang Thái Lan) chia sẻ câu chuyện “đi ngược đường” khi nhắm Thái Lan là thị trường chính của doanh nghiệp này.
“Rau quả VN xuất bán sang Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc là chuyện thuận lợi nhưng trái cây, rau quả Việt đi sang Thái Lan cạnh tranh, ban đầu ai cũng e dè.
Nhưng làm rồi mới biết người tiêu dùng Thái chuộng trái cây, rau quả Việt. Mỗi tháng tôi xuất gần chục container gồm nhãn, vải, sầu riêng sang thị trường này, thay vì trước đây chỉ 2 – 3 container”, ông Thành nói.
Cũng thừa nhận năm nay Thái Lan ăn rất mạnh nhãn, vải và sầu riêng từ VN, ông Đặng Phúc Nguyên – tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – thông tin 8 tháng năm 2024 Thái Lan chi gần 80 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, tăng hơn 95% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyên cho biết: “Nhu cầu sầu riêng đông lạnh từ VN tăng rất mạnh, dẫn đến sản lượng xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến.
Sầu riêng Việt Nam có thể cung cấp quanh năm, trong khi Thái Lan một năm chỉ có khoảng 4 tháng. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi, người Thái thích ăn sầu riêng Việt vì thơm ngon và hương vị không thể lẫn lộn”.
Ngoài ra, bưởi, chanh leo, vú sữa, na, chôm chôm… đang tiếp cận thị trường Thái Lan và nhận được nhiều tín hiệu tốt. Theo bà Nguyễn Phương An, giám đốc một công ty trái cây tươi và trái cây chế biến xuất khẩu ở TP.HCM, gần đây Thái Lan đã lọt vào danh sách “vàng” với các doanh nghiệp xuất khẩu vì người tiêu dùng nước này chuộng trái cây tươi, củ quả từ VN vì quen “gu”.
“Mấy năm nay bán sang thị trường Thái Lan rất được. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã nhập thanh long, vải của chúng tôi về bán trong các hệ thống siêu thị lớn; nhập cả nông sản nguyên liệu để chế biến. Khoản tăng 40% doanh thu trong nửa năm nay của công ty chủ yếu nhờ thị trường này”, bà An nói thêm.
Chiến lược chinh phục thị trường Thái
Không chỉ trái cây và rau quả, các sản phẩm như thủy sản, gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam khai phá thị trường đầy tiềm năng có giá trị lên tới hàng tỉ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp Thái Lan, quốc gia này đã cấp phép nhập khẩu cho bốn loại hạt gồm: hạt ớt chuông, cà, khoai tây và bắp VN nhập khẩu vào Thái Lan.
Trước đó, có năm loại trái cây đã được cấp phép: thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, vải, nhãn, xoài. Hiện Thái Lan quan tâm đến các mặt hàng chôm chôm, xoài, gia cầm, trứng giống gia cầm của VN.
Ông Nguyễn Văn Hiền (thành viên Hiệp hội Lương thực VN) cho rằng trước hết là nâng cao chất lượng sản phẩm, vì sản phẩm tốt là “thắng lợi” đầu tiên nếu tạo dấu ấn ở các thị trường, không riêng Thái Lan.
Ông Hiền nói: “Chẳng hạn như gạo, gạo VN được người Thái chuộng vì hợp vị. Vị ở đây là ta làm tốt chất lượng của gạo Việt. Rồi bao bì sản phẩm cần được thiết kế đẹp để chỉ cần nhìn bao bì, mẫu mã là nhận biết được đây là hàng VN”.
Còn theo tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các thị trường luôn áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa, nhất là các hiệp định thương mại tự do được ký kết, thuế nhập khẩu giảm.
“Nhà sản xuất phải đặt chất lượng lên hàng đầu và doanh nghiệp xuất khẩu VN phải liên tục cập nhật các quy định nhập khẩu của các thị trường để đáp ứng kịp thời và hiệu quả”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại diện Bộ Công Thương phía Nam, đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu theo các định hướng kết nối các chuỗi cung ứng cũng là giải pháp để chiếm được nhiều thị trường.
Vị này liệt kê các hoạt động như hỗ trợ doanh nghiệp Việt tìm kiếm và xây dựng đại lý ở Thái Lan; giới thiệu và đưa hàng Việt tiêu thụ tại các siêu thị của Thái; đẩy mạnh hợp tác kinh tế địa phương, nhất là nơi tập trung đông đảo kiều bào sinh sống; tiếp cận thị trường của các sản phẩm địa phương theo chương trình OTOP (mỗi làng nghề một sản phẩm) của Thái Lan và chương trình OCOP của VN…