Mạng xã hội gần đây rộ lên thông tin kỷ nguyên petrodollar 50 năm giữa Saudi Arabia và Mỹ đã kết thúc vào ngày 9.6 do Saudi Arabia không gia hạn thỏa thuận.
Thông tin cho biết, năm 1974, hai nước ký thỏa thuận petrodollar – chỉ sử dụng đồng USD để mua bán dầu mỏ, trong khi Mỹ đảm nhận trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Saudi Arabia.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra, bản thân thỏa thuận petrodollar chưa bao giờ tồn tại, hoặc ít nhất, không phải theo cách nó được mô tả trong các bài đăng lan truyền trên mạng xã hội.
Theo RT, có một thỏa thuận chính thức giữa Mỹ và Saudi Arabia được ký vào tháng 6.1974 và một thỏa thuận bí mật khác đạt được vào cuối năm này – theo đó Mỹ hứa viện trợ quân sự cho Saudi Arabia, đổi lại Saudi Arabia sử dụng tiền bán dầu để mua trái phiếu kho bạc Mỹ.
Thỏa thuận petrodollar là không chính thức và không có ngày hết hạn, nhưng phần lớn đã phát triển một cách tự nhiên từ đó đến nay.
Tuy nhiên, câu chuyện này chỉ ra một sự thật tiềm ẩn: petrodollar đã bước vào giai đoạn thoái trào.
Một quốc gia đã sớm nhận thấy sự suy giảm uy tín của đồng USD là Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke công bố vụ in tiền lớn nhất trong lịch sử, vào tháng 3.2009, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ban hành Sách trắng có tựa đề táo bạo là “Cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế”, kêu gọi thiết lập một tài sản dự trữ trung lập để thay thế hệ thống lấy đồng USD làm trung tâm.
Trong những năm tiếp theo, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã thể hiện rõ mong muốn có thể mua dầu bằng đồng tiền của mình. Bắc Kinh cũng đã cắt giảm việc mua trái phiếu Kho bạc Mỹ và mua vàng với tốc độ chóng mặt, do lo ngại về đồng USD.
Trung Quốc đã đưa ra các hợp đồng dầu bằng đồng nhân dân tệ vào năm 2018 như một phần trong nỗ lực giúp đồng tiền của nước này có thể giao dịch trên toàn cầu. Mặc dù điều này ban đầu không ảnh hưởng nhiều đến sự thống trị của đồng USD trên thị trường dầu mỏ, nhưng cho thấy Bắc Kinh đang hướng tới đâu.
Với việc Nga bị hạn chế bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây ở những nơi có thể tiếp thị dầu, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể việc mua dầu thô giảm giá của Nga, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Nhà phân tích huyền thoại Zoltan Pozsar gọi diễn tiến này là “hoàng hôn đối với petrodollar và bình minh đối với petroyuan”.
Và không chỉ có Trung Quốc. Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS mà Trung Quốc là thành viên cũng đã tăng cường giao dịch bằng đồng nội tệ. Ấn Độ – nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới – đã trở thành nước mua dầu thô lớn nhất của Nga kể từ năm 2022, thanh toán bằng đồng rupee, dirham và nhân dân tệ.
Khi BRICS kết nạp thêm nhiều thành viên, hợp nhất cơ sở hạ tầng tài chính cũng như mạng lưới thương mại mới, giao dịch dầu mỏ không dùng đồng USD sẽ càng phát triển.
Vào tháng 1.2023, Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – thậm chí còn công khai tuyên bố sẵn sàng bán dầu bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD. Tháng 11.2023, Vương quốc này đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc – một tiền đề chắc chắn cho kế hoạch kinh doanh trong tương lai bằng nội tệ.
Thỏa thuận petrodollar rất có lợi cho Saudi Arabia và về mặt lịch sử, Ridyah chưa hề tỏ ra muốn từ bỏ. Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi với đồng USD và Saudi Arabia dường như cảm nhận được điều đó.