Số liệu từ Tổng cục Hải quan thống kê Việt Nam xuất hơn 486.000 tấn điều nhân, mang về gần 2,8 tỉ USD, nhưng Việt Nam lại chi hơn 2,3 tỉ USD để nhập khẩu điều thô trong 8 tháng năm nay.
Trước câu chuyện xuất nhập song song của ngành điều, ngày 14-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hữu Hậu – phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) – giải thích rằng Việt Nam nhập khẩu nhiều điều thô từ châu Phi và Campuchia.
“Lý do là Việt Nam trồng điều không nhiều. Năm 2023, nhu cầu là 3,1 triệu tấn điều thô, nhưng trong nước sản lượng chỉ còn 260.000 tấn, chiếm khoảng 10-12% mức có thể đáp ứng. Nếu không nhập thì không sản xuất được”, ông Hậu nói.
Lợi thế của ngành điều Việt Nam, theo ông Hậu là thuận lợi ở công suất chế biến tương đối tốt; làm chủ công nghệ, thiết bị chế biến điều tại chỗ nhưng vẫn tồn tại nghịch lý.
Giải thích cụ thể, ông Hậu nói thêm: “Nước xuất khẩu điều lớn nhất, nhưng sản lượng trồng kém, không phát triển khiến thu nhập của nông dân bấp bênh. Hơn nữa, cây điều cạnh tranh mạnh với sầu riêng, các cây ăn trái khác.
Ngay cả ở tỉnh Tây Ninh, điều cũng cạnh tranh với cây khoai mì. Năng suất trồng điều chỉ đạt 1,2-1,5 tấn/ha, giá trị không lớn, trong khi trồng sầu riêng thu về 1 tỉ đồng/ha”.
Phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu lớn, trong khi giá nguyên liệu lại cao, đang làm giảm hiệu quả xuất khẩu của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Diễm – chủ một công ty xuất khẩu điều ở tỉnh Bình Phước, chuyên xuất khẩu điều nhân – cho rằng giá nguyên liệu điều thô nhập về từ các nước châu Phi, có thời điểm cao hơn so với điều nhân xuất đi, dẫn đến doanh nghiệp khó khăn trong việc điều phối và điều chỉnh năng lực sản xuất để có hiệu quả.
Hiện nay, 5 thị trường cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam, gồm: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Ghana và Tanzania. Trong đó hạt điều nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà và Campuchia chiếm 54,7% tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành điều.