Vinasun lãi chủ yếu từ bán xe cũ và quảng cáo, cổ đông ngoại muốn thoái sạch vốn

Quỹ ngoại muốn thoái sạch vốn khỏi Vinasun

Quỹ đầu tư TAEL Two Partners vừa có thông báo tới Ủy ban Chứng khoán việc đăng ký bán toàn bộ hơn 6,4 triệu cổ phiếu VNS, tương đương 9,49% vốn của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun).

Thời gian dự kiến bắt đầu từ 15-11 đến hết ngày 13-12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Hạ tỉ lệ sở hữu về 0% tại Vinasun, TAEL Two Partners nói “muốn cơ cấu lại danh mục đầu tư”.

Kết phiên ngày 15-11, giá mỗi cổ phiếu VNS ở mức 10.500 đồng, giảm gần 11% sau một năm. Như vậy nếu bán ra thành công, cổ đông ngoại của Vinasun sẽ thu về khoảng 65 tỉ đồng.

Theo thông tin từ TAEL Two Partners, quỹ này có giấy phép thành lập ở quần đảo Cayman, trụ sở chính tại Singapore.

Quỹ này rót tiền đầu tư vào Vinasun từ cuối năm 2013 với việc mua vào 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 45.000 đồng/cổ phiếu. 

Ít lâu sau, cổ đông ngoại này gom mua thêm hai đợt cổ phiếu VNS ở mức giá dao động từ 41.000 đồng đến 48.000 đồng.

Sau 10 năm rót vốn, cổ đông ngoại này có thể đã nhận về hơn 140 tỉ đồng cổ tức từ hãng taxi Việt. Nhưng nếu tính về thị giá cổ phiếu, khoản đầu tư của quỹ ngoại này đang lỗ khá lớn.

Việc thoái vốn khỏi VNS cũng được TAEL Two Partners thực hiện gần 1 năm nay, trong bối cảnh hãng taxi này kinh doanh gặp nhiều khó khăn, giá cổ phiếu đi xuống.

Vinasun đang kinh doanh ra sao?

Báo cáo tài chính hợp nhất công bố mới đây cho thấy Vinasun ghi nhận 246 tỉ đồng tiền doanh thu, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất kể từ quý 2-2022 đến nay.

Sau trừ chi phí, VNS vẫn ghi nhận lãi ròng gần 21 tỉ đồng. Phần lớn lợi nhuận đến từ “thu nhập khác” với hơn 20,1 tỉ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, chiếm phần lớn trong thu nhập khác của VNS là tiền từ thanh lý tài sản cố định (chủ yếu xe cũ) và quảng cáo trên taxi.

Tính chung 9 tháng đầu năm, khoản thu nhập đến từ bán tài sản mang về cho VNS gần 25 tỉ đồng, còn tiền quảng cáo trên xe taxi gần 18 tỉ đồng.

Trong khi lợi nhuận gộp từ hoạt động cốt lõi chỉ hơn 44 tỉ đồng, sau khi trừ các loại chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của hãng taxi này chỉ còn hơn 1,7 tỉ đồng.

Có thể thấy thu nhập khác đang là “bệ đỡ” để kết quả kinh doanh của VNS không sụt xuống quá sâu.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của VNS đạt 778 tỉ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 60 tỉ đồng, giảm 52%.

Quỹ TAEL Two Partners đầu tư vào Vinasun đúng thời điểm kinh doanh đỉnh cao của hãng taxi này – Dữ liệu BCTC

Kinh doanh khó khăn hơn trong bối cảnh các hãng xe công nghệ phát triển, số nhân viên của VNS cũng giảm từ 1.847 người hồi cuối năm ngoái còn 1.655 người vào thời điểm cuối tháng 9 năm nay.

Bán xe cũ để đầu tư sang dòng lai xăng và điện là hướng đi của Vinasun năm nay.

Theo biên bản đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, ban lãnh đạo Vinasun đã có những chia sẻ với cổ đông xung quanh việc đầu tư xe mới năm 2024 với khoảng 700 xe Hybrid.

“Việc đầu tư 700 xe Hybrid theo kế hoạch, chi phí sẽ khoảng 630 tỉ đến 650 tỉ đồng. Hiện hai ngân hàng sẵn sàng tài trợ, nếu điều kiện thuận lợi sẽ tăng đầu tư lên 1.000 xe”, lãnh đạo VNS tiết lộ.

Lãnh đạo Vinasun cũng thừa nhận thị phần của hãng đã bị ảnh hưởng. “Có hai yếu tố cơ bản: Sự suy giảm nhu cầu của người dùng và sự cạnh tranh của các hãng taxi trong ngành. Dù vậy doanh thu năm 2023 của VNS vẫn tăng”, lãnh đạo Vinasun cho hay.

BÌNH KHÁNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *