Đáng chú ý trong ý kiến kiểm toán
Trong báo cáo tài chính soát xét giữa niên độ 2022 của Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM), công ty kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán. Tuy nhiên, để thông tin tới các cổ đông và nhà đầu tư, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra 4 kết luận trái ngược.
Cụ thể, kiểm toán cho hay, tại báo cáo kiểm toán năm trước, kiểm toán viên tiền nhiệm đã đưa ra ý kiến về việc tại ngày 31.12.2021 không thể đối chiếu, xác nhận được các khoản nợ phải thu có giá trị hơn 65,6 tỉ đồng, nợ phải trả gần 155,5 tỉ đồng; nợ gốc và nợ lãi vay các ngân hàng lần lượt là 44,8 tỉ đồng và 107,8 tỉ đồng. Đến thời điểm 30.6.2022, các hạn chế nêu trên vẫn chưa được khắc phục. Do đó, kiểm toán không thể đưa ra kết luận về các khoản mục nêu trên.
Một điểm nữa, trong tổng chi phí trích trước khác gần 459 tỉ đồng là các chi phí trích trước không rõ nội dung và đối tượng, chi phí trích trước của một số công trình có số dư âm 1,7 tỉ đồng và phần còn lại với số tiền 35,1 tỉ đồng là chi phí trích trước của các công trình đã tồn tại nhiều năm. Ngoài ra, kiểm toán cho biết, công ty hiện phản ánh “Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang” là gần 42 tỉ đồng. Đây là các công trình đã tồn tại nhiều năm. “Với các tài liệu kế toán hiện có, chúng tôi không thể đưa ra kết luận về tính trung thực và hợp lý đối với số dư của các khoản mục tại ngày kết thúc kỳ kế toán”, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC cho hay.
Không những vậy, kiểm toán còn đưa ra vấn đề về tính hoạt động liên tục của PXM. Cụ thể, trong báo cáo tài chính đính kèm được lập dựa trên cơ sở giả định hoạt động liên tục. Tuy nhiên, tại ngày 30.6.2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của PXM âm 590,7 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 437,5 tỉ đồng, nợ ngắn hạn của công ty cũng vượt quá tài sản lưu động là 439 tỉ đồng, hầu hết các khoản nợ phải thu và phải trả đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng. Hoạt động kinh doanh của công ty đã lỗ liên tục 11 năm và lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh âm liên tục nhiều năm.
Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi không thu thập được bằng chứng nào cho thấy công ty có thể tiếp cận được với các nguồn lực tài chính hoặc có kế hoạch hành động trong tương lai để chứng minh giả định hoạt động liên tục mà Giám đốc đang áp dụng để lập báo cáo tài chính đính kèm là có cơ sở…” – kiểm toán AAC thông tin.
Đang chờ phá sản hoặc giải thể, sáp nhập
Ngay sau khi công ty kiểm toán đưa ra ý kiến trong báo cáo soát xét bán niên 2022, PXM đã có bản giải trình các vấn đề mà kiểm toán nêu. Đầu tiên, liên quan đến ý kiến kiểm toán về tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp khi “Báo cáo tài chính được lập dựa trên giả định hoạt động liên tục là không phù hợp”. Về vấn đề này, PXM cho biết, báo cáo tài chính giữa niên độ 2022 của công ty, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối PXM âm 590,8 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 437,5 tỉ đồng, nợ ngắn hạn cũng vượt quá tài sản lưu động là 439 tỉ đồng, hết các khoản nợ phải thu và phải trả đã quá hạn thanh toán.
“Hiện nay, công ty không có tài chính, không có nhân lực để thực hiện lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng công trình. Hoạt động kinh doanh từ 2014 đến nay chủ yếu là cho thuê xe máy, thiết bị” – lãnh đạo PXM thông tin.
Trong khi đó, năng lực xe máy, thiết bị qua mỗi năm dần xuống cấp, hư hỏng, không còn khả năng khai thác dẫn đến nguồn thu suy giảm, thu không đủ chi, thâm thụt tài chính ngày càng nghiêm trọng. Công ty này đã hoạt động gần như cầm chừng, cố gắng duy trì bộ máy nhân sự để xử lý các tồn đọng và chờ thực hiện chủ trương tái cơ cấu theo hướng phá sản/giải thể/sáp nhập của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Chính vì vậy, Ban Giám đốc PXM vẫn quyết định lập báo cáo tài chính giữa niên độ trên cơ sở giả định hoạt động liên tục.
Về kết quả kinh doanh quá bết bát, 6 tháng đầu năm 2022, công ty lỗ 10,4 tỉ đồng, lãnh đạo PXM lý giải là do trong kỳ phải trích lập chi phí lãi vay phải trả cho các tổ chức tín dụng; và trích lập các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Cũng theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, đến 30.6.2022, PXM có tổng tài sản 42,5 tỉ đồng, trong đó tài sản chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 41 tỉ đồng. Nợ phải trả của công ty đến thời điểm này gấp hơn 10 lần tài sản với hơn 480 tỉ đồng mà 100% là nợ ngắn hạn. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ là âm 143,4 triệu đồng.