Xe điện Trung Quốc giảm giá bất chấp, sẵn sàng hy sinh lợi nhuận

Theo tờ South China Morning Post, ngày 18-9, các hãng xe điện Trung Quốc đang trên đà tăng tốc ra mắt các mẫu xe mới, nhằm nỗ lực duy trì vị thế trong cuộc cạnh tranh giữa những thay đổi nhanh chóng về sở thích của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, chi phí phát triển tốn kém và cuộc chiến giá cả khốc liệt đang khiến các hãng xe này gặp khó khăn trong việc đạt được lợi nhuận.

Theo công ty tư vấn tại Thượng Hải Suolei, sẽ có hơn 50 mẫu xe điện và xe lai hai kỳ (hybrid), loại xe sử dụng nửa động cơ điện, nửa nhiên liệu đốt truyền thống để vận hành, ra mắt trên thị trường Trung Quốc trong năm nay.

Thế nhưng sẽ chỉ có một số ít mẫu xe doanh số đủ để bù đắp chi phí phát triển.

“Những nhà sản xuất xe cần phải tự đặt câu hỏi rằng, liệu có đáng để đầu tư hàng tỉ nhân dân tệ để phát triển một chiếc xe mới mà không thể tạo ra doanh số tốt nếu không có mức giảm giá lớn hay không?

Thị trường vốn đã đầy rẫy những sản phẩm tương tự nhau. Vì vậy sẽ có những sản phẩm bị bỏ lại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như vậy”, ông Eric Han, giám đốc cấp cao tại Công ty Suolei, chia sẻ.

Tại Trung Quốc, thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới, nhờ vào sự quan tâm ngày càng tăng của người trẻ đối với các phương tiện thân thiện với môi trường trong hai năm qua, các mẫu xe mới với hệ thống lái tự động tiên tiến, phạm vi di chuyển dài hơn có thể thu hút hàng ngàn đơn đặt hàng trong vài ngày sau khi mở bán trước.

“Những mẫu xe mới có thể thúc đẩy doanh số bán hàng, nhưng điều quan trọng hơn hết là chính việc giảm giá mới thật sự thu hút người mua.

Giá xe thấp đã tạo áp lực cho các công ty sản xuất, vì hầu hết trong số họ cần phải cắt giảm thua lỗ để tồn tại trong thị trường cạnh tranh khốc liệt”, ông David Zhang, tổng thư ký của Hiệp hội kỹ thuật xe thông minh quốc tế, cho biết.

Dòng xe điện Xiaomi SU7 của nhà sản xuất Xiaomi được đánh giá là một trong những sản phẩm thành công nhất trong thời gian gần đây, với 27.307 chiếc được bán cho khách hàng ở Trung Quốc trong quý 2-2024.

Tuy nhiên, vào tháng trước, Xiaomi cho biết rằng đơn vị sản xuất xe điện của họ sẽ cần thời gian để tạo ra lợi nhuận vì chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như tiếp thị là rất lớn.

Nhà lắp ráp xe điện lớn nhất thế giới, BYD, cũng cho biết chi phí nghiên cứu và phát triển của mình cũng vượt quá 48,5% thu nhập ròng nửa đầu năm của công ty là 13,6 tỉ nhân dân tệ.

Thời điểm hiện tại chỉ có hãng xe BYD và Li Auto, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh và là đối thủ gần nhất của Tesla trong phân khúc xe điện cao cấp ở Trung Quốc, có lãi từ việc bán xe điện.

Trong khi đó, khoảng 50 nhà sản xuất xe điện còn lại của Trung Quốc đang gặp khó khăn về lợi nhuận.

Vào tháng 4, Ngân hàng Goldman Sachs đã dự đoán trong một báo cáo nghiên cứu, khả năng sinh lời của toàn ngành xe điện Trung Quốc có thể trở nên âm trong năm nay nếu BYD cắt giảm thêm 7% giá bán, tương đương 10.300 nhân dân tệ, trên mỗi chiếc xe của mình.

HÀ ĐÀO

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *