Ngày 4-12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin về kết quả sản xuất và xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng đầu năm 2024.
Giá cà phê xuất khẩu tăng từ 2.570 lên hơn 4.000 USD/tấn
Theo ông Tiến, dù đối mặt khó khăn, thách thức, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng trong sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu đã đạt cột mốc quan trọng.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 đạt 5,3 tỉ USD, tăng 13,9% so với tháng 11 năm trước. Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 56,74 tỉ USD, tăng 19%, thặng dư thương mại 16,5 tỉ USD, tăng 52,8%.
Như vậy sau 11 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt mục tiêu trên 55 tỉ USD mà Thủ tướng giao tại Hội nghị tổng kết năm 2023.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng đầu năm nay xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chính như gạo, cà phê, rau quả đều thu về số tiền kỷ lục.
Đơn cử như cà phê, dù khối lượng xuất khẩu chỉ 1,2 triệu tấn (giảm 15% so với cùng kỳ năm trước) nhưng số tiền thu về đạt 4,84 tỉ USD (tăng 33%), nhờ giá xuất khẩu bình quân đạt 4.037 USD/tấn (trong khi cùng kỳ năm trước giá bình quân đạt 2.570 USD/tấn).
Đối với gạo, ngoài khối lượng xuất khẩu tăng thì giá xuất khẩu bình quân tiếp tục tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước cũng giúp ngành gạo lần đầu thu về 5,31 tỉ USD.
Xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch kỷ lục mới sau 11 tháng với 6,6 tỉ USD, trong khi cả năm trước giá trị đạt 5,7 tỉ USD.
“Nếu tháng 12 này xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục đạt trên 5 tỉ USD, thì cả năm nay chúng ta thu về trên 60 tỉ USD” – ông Tiến nói.
Vì sao xuất khẩu nông sản liên tiếp lập kỷ lục?
Theo ông Tiến, để đạt được kết quả này, ngành nông nghiệp nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng. Đơn cử như sau bão số 3, Thủ tướng đã ban hành nghị quyết và công điện chỉ đạo tập trung khôi phục sản xuất ở các tỉnh bị ảnh hưởng và tập trung tăng tốc ở những tỉnh không bị ảnh hưởng.
Từ chỉ đạo này, toàn bộ các lãnh đạo bộ và các đơn vị của bộ đã tỏa đi các địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá thiệt hại và triển khai ngay các giải pháp để khôi phục sản xuất.
“Đối với nuôi trồng thủy sản trên biển, bộ đã cung cấp 1 triệu giống rong biển để có thu hoạch trong dịp cuối năm. Đối với chăn nuôi, tập trung nuôi gà lông màu, thủy cầm, gà công nghiệp; còn lâm nghiệp thì chỉ đạo tận thu gỗ để sản xuất dăm, viên nén…
Cùng với đó, bộ tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long để tăng thủy sản nuôi trồng nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm” – ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, để có kết quả bền vững như hiện nay, nhiều năm qua ngành nông nghiệp đã tái cơ cấu theo hướng đi vào chiều sâu, sản xuất theo chuỗi, bắt nhịp được với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để giảm phát thải trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi.
Một yếu tố quan trọng nữa là khoa học công nghệ, trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp được ứng dụng các kết quả nghiên cứu và công nghệ tiên tiến của các nước được chuyển giao thông qua các viện, trường và doanh nghiệp.
Dự báo hạn mặn chính xác cũng là yếu tố quan trọng của khoa học công nghệ để chỉ đạo sản xuất phù hợp linh hoạt, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời ứng dụng công nghệ để khống chế rất bài bản dịch bệnh thủy sản, chăn nuôi và sâu bệnh trong trồng trọt.
“Cùng với đó là xúc tiến thương mại, chúng ta tập trung vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, EU và đẩy mạnh xúc tiến thị trường Halal – thị trường tiềm năng rất lớn với 2,2 tỉ dân và năm qua đã mở cửa được một số mặt hàng” – ông Tiến nói thêm.