Xuất khẩu trực tuyến: Không còn xa vời với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đó là câu hỏi được host Nguyễn Tiến Huy – tổng giám đốc Pencil Group, trưởng ban nội dung CSMO Miền Nam – đặt ra cho chuyên gia tư vấn chiến lược và hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới – anh Phạm Xuân Tùng, người sáng lập kiêm giám đốc Anneco Group, thành viên Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến (VESA).

Chuẩn bị cho “sân chơi” mới

Cách đây 10 năm, câu chuyện bán hàng sang Mỹ hầu như chỉ xuất hiện tại các doanh nghiệp lớn. Bởi lẽ để có được một đơn hàng quốc tế không hề đơn giản, từ sản xuất hàng mẫu đến đàm phán về giá cả và hợp đồng đều mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, yếu tố về nguồn vốn và công nợ cũng là rào cản lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, sự ra đời của thương mại điện tử xuyên biên giới đã mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, mở rộng tệp khách hàng.

Sự thay đổi này bắt đầu từ thời điểm Alibaba và Amazon lần lượt đặt chân vào thị trường Việt Nam vào năm 2009 và năm 2019. Cùng với xu hướng mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu hậu COVID-19 dịch chuyển từ offline sang online đã tạo động lực cho xuất khẩu trực tuyến bùng nổ.

Song, để xuất hiện trên sàn thương mại điện tử quốc tế, anh Phạm Xuân Tùng cho rằng doanh nghiệp tối thiểu phải trải qua 3 giai đoạn. Trước hết, ở giai đoạn chuẩn bị, các công ty sẽ tiến hành nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, sản phẩm, văn hóa cũng như thói quen tiêu dùng tại thị trường mục tiêu. Cùng với đó là tính toán các chi phí để tối ưu lợi nhuận cũng như đưa ra kế hoạch bán hàng phù hợp với nguồn lực hiện có.

Tiếp theo, ở giai đoạn triển khai, chúng ta cần xây dựng các hình ảnh, nội dung về sản phẩm và bắt tay vào việc vận hành trên sàn thương mại điện tử.

Cuối cùng, ở giai đoạn phát triển, dựa trên sự tiếp nhận của thị trường, doanh nghiệp sẽ cải tiến chất lượng sản phẩm để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Cùng với đó là hoạt động điều chỉnh quy trình vận hành.

Với những công cụ tìm hiểu xu hướng thị trường và đối thủ cạnh tranh sẵn có trên các sàn thương mại điện tử, anh Phạm Xuân Tùng khẳng định các doanh nghiệp có thể tự mình lên kế hoạch bán hàng, gia nhập “đường đua” xuất khẩu trực tuyến.

Anh cũng nhấn mạnh điều quan trọng khi bước vào “sân chơi” mới là đáp ứng những quy định, yêu cầu về hàng hóa nhập khẩu của thị trường đang hướng đến. Cụ thể, để gia nhập thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như Mỹ, các mặt hàng nông sản hay thực phẩm chức năng tối thiểu phải có chứng nhận FDA.

Khi dịch chuyển từ mô hình B2B sang B2C, sản phẩm được cung ứng trực tiếp đến người dùng cuối thay vì qua trung gian là các đại lý, nhà phân phối như trước. Điều này đặt ra “bài toán đau đầu” cho các doanh nghiệp xuất khẩu là tìm phương án tối ưu chi phí logistics.

Để làm được điều đó, CEO Phạm Xuân Tùng cho rằng doanh nghiệp cần am hiểu nền tảng thương mại điện tử mình đang triển khai bán hàng. Anh gợi ý: “Phần lớn các công ty Việt Nam ưa chuộng kiểu bao bì lớn để tạo cảm giác chất lượng cho sản phẩm. Tuy nhiên, khi bán hàng trên Amazon, chi phí vận chuyển được tính dựa trên thể tích và khối lượng sản phẩm. Từ thực tế đó, để giảm thiểu chi phí logistics, ta cần tối ưu hai yếu tố này”.

Dù tồn tại một số thách thức nhưng thị trường bán hàng xuyên biên giới qua thương mại điện tử vẫn còn dư địa lớn. Với lợi thế về vùng nguyên liệu, các mặt hàng nông sản, nội thất, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng “made in Vietnam” rất được ưa chuộng trên các sàn thương mại B2C – anh Tùng cho biết thêm.

Xây dựng và bảo hộ thương hiệu khi ra thế giới

Bán lẻ xuyên biên giới còn được xem là động lực để doanh nghiệp Việt “thoát mác” gia công để xuất khẩu dưới thương hiệu của riêng mình. Điều đó cũng góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và tạo lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ quốc tế. Từ thực tế đó, chuyên gia Phạm Xuân Tùng cho rằng việc ưu tiên là tạo sự nổi bật trên trang thương mại điện tử nhờ thiết kế bao bì sản phẩm và bộ nhận diện bắt mắt.

Ngoài ra, để tăng traffic (lượng truy cập) và doanh số bán hàng, việc quảng cáo không chỉ giới hạn ở trang thương mại điện tử mà còn cần thực hiện trên đa nền tảng từ Google, TikTok đến Facebook. Song song đó, doanh nghiệp có thể xây dựng website để cung cấp thêm thông tin, hình ảnh và sản phẩm đến khách hàng.

Khẳng định thương hiệu quốc gia là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu, anh Xuân Tùng cho biết: “Những sản phẩm ‘made in Vietnam’ đã xuất hiện trên nhiều kệ hàng và được sự đón nhận của thị trường quốc tế. Ta có thể tận dụng lợi thế đó để kể câu chuyện thương hiệu, về vùng nguyên liệu hay người nông dân để tạo ấn tượng cho sản phẩm”.

Là chuyên gia tư vấn chiến lược và hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, CEO Anneco nhìn nhận vấn đề sở hữu trí tuệ không chỉ là thách thức của riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nếu không nhận thức đúng tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu thì doanh nghiệp phải đối diện với nguy cơ mất thương hiệu ở thị trường nước ngoài. 

Lấy ví dụ từ một doanh nghiệp sản xuất mi giả mà Anneco từng hỗ trợ, anh Tùng kể: “Doanh thu họ kiếm được từ thị trường Mỹ là 1 triệu đô chỉ sau 1 năm. Thế nhưng, họ phải ngừng sử dụng thương hiệu của chính mình để kinh doanh chỉ vì nhãn hiệu đã được một đơn vị khác đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ”.

Phương án được đưa ra là đàm phán với đơn vị đã đăng ký bảo hộ để mua lại hoặc hợp tác cùng phát triển thương hiệu đó. Trong trường hợp không thể thỏa thuận, doanh nghiệp buộc phải xây dựng một thương hiệu khác dành riêng cho thị trường xuất khẩu. Hiển nhiên, đây là công việc không chỉ mất nhiều thời gian, hao tốn chi phí mà còn tiềm ẩn rủi ro về uy tín của doanh nghiệp.

Năm 2024 là thời điểm “vàng” cho xuất khẩu trực tuyến với sự rộng mở của các sàn thương mại điện tử quốc tế. Cùng với đó là các chính sách từ Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia bán hàng xuyên biên giới. Theo chuyên gia, sự am hiểu về thị trường, sẵn sàng về nguồn lực cùng sự kiên trì là điều sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt bền sức trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường quốc tế.

Mời bạn đọc xem tập 9 của talkshow “Đi cùng thương hiệu: Walk&Talk” mùa 2

BÙI VÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *