Theo hãng thông tấn TASS, đối đầu với Nga và hỗ trợ quân sự cho Ukraina sẽ là chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh NATO. Hội nghị cũng sẽ thảo luận về việc tăng cường tiềm năng quân sự của NATO…
Các đại biểu tham gia hội nghị sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm sẽ bị lu mờ bởi màn thể hiện không thành công của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc tranh luận trên truyền hình với cựu Tổng thống Donald Trump mới đây. Ngay cả những người ủng hộ trung thành nhất của Tổng thống Joe Biden cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng lãnh đạo Mỹ và NATO của ông. Tờ Politico lưu ý, các đồng minh trong NATO nghi ngờ triển vọng tái đắc cử của ông Joe Biden, do đó ông sẽ phải thể hiện tố chất lãnh đạo và chứng tỏ năng lực của mình tại hội nghị thượng đỉnh.
Ukraina gia nhập NATO?
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 7.7 cho biết, không có gì đảm bảo Ukraina sẽ gia nhập NATO trong thập kỷ tới và nói thêm rằng, tư cách thành viên của Kiev phụ thuộc vào việc liệu nước này có chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga hay không. Ông nhấn mạnh, điều quan trọng nhất đối với NATO hiện nay là “tăng cường hỗ trợ cho Ukraina để đảm bảo Ukraina sẽ thắng. Đó là điều kiện tiên quyết cho tư cách thành viên trong tương lai của Ukraina”.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, một đại diện cấp cao của chính quyền Mỹ cho hay, tuyên bố chung sẽ không bao gồm cam kết về việc Ukraina gia nhập NATO, nhưng sẽ chứa đựng “những tín hiệu rất mạnh mẽ về sự ủng hộ của các đồng minh dành cho Ukraina trên con đường hội nhập NATO và cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ukraina nỗ lực cải cách dân chủ, kinh tế và quốc phòng”.
Kinh phí hỗ trợ Ukraina
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ông Stoltenberg nhấn mạnh, NATO muốn đảm bảo rằng Ukraina “có được khả năng kiềm chế Nga”. Vì vậy, theo ông Stoltenberg, để đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraina trên bàn đàm phán, Kiev phải được cung cấp nhiều vũ khí hơn nữa.
Tổng thư ký NATO thừa nhận, dự thảo chương trình dài hạn nhiều năm mà ông đề xuất vào mùa xuân nhằm tài trợ cho việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev đã không được phê duyệt. Ban đầu, ông ủng hộ việc tạo ra một quỹ trị giá 100 tỉ USD mỗi năm, sau đó giảm xuống còn 40 tỉ USD mỗi năm.
Kết quả là, các nước liên minh cho đến nay đã đạt được thỏa thuận sơ bộ rằng vào năm 2025, họ sẽ phân bổ 40 tỉ USD cho những nhu cầu này.
Quân sự hóa công nghiệp và phòng thủ tên lửa
Các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm xây dựng năng lực quân sự ở châu Âu như một phần của cuộc đối đầu với Nga. Trong số các biện pháp ưu tiên, ông Stoltenberg nêu tên việc tăng cường hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của NATO, bao gồm cả việc sử dụng khu vực vị trí phòng thủ tên lửa AEGIS Ashore ở Ba Lan. Đây là một trong hai hệ thống được Mỹ triển khai ở châu Âu kể từ khi rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002.
Các nhà lãnh đạo liên minh cũng sẽ thảo luận về kế hoạch quân sự nhằm tăng số lượng đơn vị được triển khai hoặc sẵn sàng triển khai gần biên giới Nga. Vấn đề hậu cần quân sự sẽ được thảo luận, bao gồm việc hiện đại hóa và xây dựng hạ tầng để nhanh chóng chuyển quân tiếp viện đến sườn phía Đông của NATO.
Các nước trong khối sẽ thảo luận về kế hoạch đẩy nhanh sản xuất vũ khí, đạn dược để cung cấp cho Ukraina trong cuộc xung đột mở với Nga, đồng thời bổ sung nguồn dự trữ đang cạn kiệt của chính họ.