Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy khi trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về có biện pháp tăng cường chuyến bay đến sân bay Côn Đảo để người dân và du khách đến huyện Côn Đảo thuận lợi.
Có thêm hãng hàng không khai thác tới sân bay Côn Đảo sẽ giảm khan hiếm vé
Theo Bộ Giao thông vận tải, do sân bay Côn Đảo hạn chế cơ sở hạ tầng nên chưa tiếp nhận được các loại máy bay lớn như Airbus A320, A321 mà chỉ tiếp nhận được các loại máy bay như ATR 72, Embraer E190. Do vậy việc khai thác đến sân bay Côn Đảo có phần hạn chế.
Sau khi Bamboo Airways ngừng khai thác đường bay Hà Nội – Côn Đảo bằng máy bay Embraer để thực hiện tái cơ cấu, hiện tại chỉ có Vietnam Airlines và VASCO (chi nhánh của Vietnam Airlines) đang sử dụng máy bay ATR72 khai thác đường bay Côn Đảo – TP.HCM với tần suất 16 chuyến khứ hồi/ngày, và đường bay Côn Đảo – Cần Thơ với tần suất 5 chuyến khứ hồi/tuần.
Việc này đã làm giảm số lượng vé cung ứng trên các đường bay đi/đến Côn Đảo, nhất là trong những thời điểm cao điểm như dịp lễ hội, mùa du lịch.
Khi đó cầu vượt quá cung khiến giá vé máy bay đi/đến Côn Đảo luôn giữ ở mức cao.
Tuy nhiên qua kiểm tra hoạt động bán vé của các hãng, Cục Hàng không ghi nhận giá vé máy bay trên các đường bay đến Côn Đảo tuân thủ đúng quy định về khung giá vé máy bay nội địa.
Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không đã tạo điều kiện cho Vietnam Airlines tăng cường hoạt động khai thác đến Côn Đảo. Đồng thời yêu cầu Vietnam Airlines cùng với các hãng khác tích cực tìm kiếm loại máy bay phù hợp với hạ tầng sân bay Côn Đảo, nghiên cứu kế hoạch khai thác các đường bay đến Côn Đảo.
Theo bộ, việc các hãng hàng không khác khai thác đường bay đi/đến Côn Đảo sẽ góp phần tăng tải cung ứng trên các đường bay, bổ sung thêm sự lựa chọn về dịch vụ hàng không cho hành khách. Qua đó góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm vé trong một số giai đoạn cao điểm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.
Kiến nghị nâng cấp nhưng không kéo dài đường băng sân bay Côn Đảo
Theo Bộ Giao thông vận tải, đường băng, đường lăn sân bay Côn Đảo xây dựng từ năm 2004 đã xuống cấp.
Đường băng hiện tại dài 1.830m nhưng chiều rộng 30m không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác máy bay code C như Airbus A320, A321, chỉ đáp ứng khai thác các loại máy bay như ATR72 và tương đương (Embraer E190, E195 giảm tải).
Nếu kéo dài đường băng sân bay Côn Đảo ra phía biển khoảng 860m (về phía đông) để đạt chiều dài 2.400m nhằm khai thác đầy tải trọng thương mại với máy bay Airbus A321, kinh phí ước tính trên 10.000 tỉ đồng.
Do phương án trên phức tạp, kinh phí nhiều, tác động lớn tới môi trường nên Bộ Giao thông vận tải đã thuê đơn vị tư vấn quốc tế ADPi (Pháp) khảo sát phương án đầu tư sân bay Côn Đảo.
Qua nghiên cứu, ADPi đã tham chiếu một số sân bay trên thế giới có cấu hình đường băng tương tự sân bay Côn Đảo nhưng có công suất khai thác lớn hơn và đưa ra khuyến nghị: chiều dài đường băng hiện tại (1.830m) của sân bay Côn Đảo đủ để tiếp nhận và khai thác hiệu quả hầu hết các loại máy bay code C như Airbus A320, Boeing 737, Embraer E190, E195, ngoại trừ máy bay A321 phải giảm tải trọng thương mại.
Tư vấn ADPi khuyến cáo các hãng hàng không nên khai thác các loại máy bay code C cỡ trung bình như Aibus A320, A319, Boeing B737… để bảo đảm hiệu quả khai thác cao nhất cũng như hiệu quả đầu tư về hạ tầng.
Tuy nhiên để đảm bảo năng lực khai thác đường băng cần xây dựng khu tiếp nhiên liệu, đường lăn song song giúp tăng 50% công suất, ngay cả với đội máy bay đang khai thác (ATR72 và E190); bổ sung các công trình bảo đảm an toàn trong khai thác…
Trước đó, tháng 10-2021 Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Côn Đảo với tổng mức đầu tư khoảng 1.680 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Dự án sẽ mở rộng, nâng cấp đường băng hiện hữu theo hướng giữ nguyên chiều dài 1.830m, mở rộng đường băng từ 30m lên 45m; xây dựng mới 1 đường lăn song song và các đường lăn nối; đầu tư hệ thống thiết bị hạ cánh đồng bộ để khai thác hiệu quả các loại máy bay code C như Airbus A319, A320, B737.
Do quy mô đầu tư của dự án cơ bản phù hợp với khuyến nghị của tư vấn ADPi nên Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng tiếp tục triển khai dự án bằng nguồn vốn đầu tư công để sớm đưa vào khai thác máy bay code C, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm tuyệt đối an toàn khai thác.